ThienNhien.Net – Đầu tháng 12 năm 2008, tờ báo Time đã bình chọn 15 loạt "tốp" sự kiện trong các lĩnh vực: tin tức, khoa học, nghệ thuật, giải trí, kinh doanh, công nghệ, thể thao…của Mỹ. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật về môi trường.
1. Barack Obama trúng cử tổng thống Mỹ
Trước chiến dịch tranh cử tổng thống, những người bảo vệ môi trường cho rằng dù ai trở thành tổng thống thì họ cũng vẫn giành thắng lợi. Cả hai ứng cử viên tổng thống Barack Obama và John McCain đều được ghi nhận là đã có những hoạt động ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch chống biến đổi khí hậu – thậm chí ông McCain còn quảng bá mình là một trong những người đầu tiên tại quốc hội ủng hộ cho dự thảo luật Cắt giảm và trao đổi hạn ngạch khí thải.
Nhưng khi chiến dịch tranh cử bắt đầu diễn ra, các chi tiết này bị lờ đi. Ông McCain quay trở lại chính sách quen thuộc của Đảng Cộng hoà ủng hộ khai thác năng lượng dầu mỏ, trong khi ông Obama lại xây dựng một chương trình chú trọng đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế, tạo việc làm ổn định mà không gây hại cho môi trường.
Và hiện nay, với tư cách tổng thống mới đắc cử, Obama cam kết đặt vấn đề năng lượng lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình làm việc của mình và cho biết ông sẽ không từ bỏ đạo luật Cắt giảm và trao đổi hạn ngạch khí thải ngay cả khi đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế.
Nếu có thể thực hiện được điều này, Obama sẽ là vị tổng thống “xanh” thực sự đầu tiên của nước Mỹ.
2. Quốc hội thông qua các khoản tín dụng cho ngành năng lượng tái sinh.
Chính sách ưu đãi thuế liên bang nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại Mỹ sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2008. Điều này sẽ khiến ngành năng lượng suy yếu trong khi đang sẵn sàng cho một sự phát triển thực thụ.
Nhiều năm qua, dự thảo luật nhằm tăng cường các khoản ngân sách cho ngành này đều bị các thượng nghị sĩ quốc hội bác bỏ. Thiếu đi nguồn nguồn ngân sách này, ngành năng lượng tái sinh không thể nào cạnh tranh được với ngành năng lượng dầu mỏ vốn có giá rẻ hơn, chừng nào người ta chưa phải trả giá đắt về sự ô nhiễm cacbon.
Chỉ đến khi được đưa vào gói 700 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế hồi tháng mười vừa qua thì khoản ngân sách này cuối cùng mới được thông qua, và bỗng chốc, do được nhắc đến nhiều hơn, ngành năng lượng tái sinh lại nằm trong danh sách các vấn đề ưu tiên của nước Mỹ.
3. Hoạt động khoan khai thác xa bờ tạm lắng
Trong suốt mùa hè, Đảng Cộng hoà luôn hô vang biểu ngữ: “Khoan, khoan nữa đi”, ủng hộ khai thác dầu mỏ xa bờ. Bất chấp vô số những phân tích đã chỉ ra rằng việc khoan khai thác xa bờ sẽ chẳng mấy ảnh hưởng đến giá xăng đang cao ngất, Đảng Cộng hòa vẫn giữ nguyên lập trường.
Ngay ở Santa Barbara, Calif., nơi xảy ra vụ tràn dầu gây thiệt hại nghiêm trọng vào năm 1969, mặc dù công chúng phản đối mạnh mẽ việc khoan khai thác dầu mỏ ngoài khơi, nhưng các quan chức của hạt này vẫn bỏ phiếu ủng hộ việc thăm dò khai thác dầu mỏ vào tháng tám vừa qua.
Tuy nhiên, khi Obama trở thành ông chủ của nhà trắng và các nghị sĩ đảng Dân chủ nắm đa số ghế trong quốc hội, vùng nước ven biển chắc chắn sẽ được đảm bảo an toàn
4. Dự luật về cắt giảm và trao đổi hạn ngạch khí thải chưa được thông qua
Cơ hội để dự luật về cắt giảm và trao đổi hạn ngạch khí thải được thông qua đã bị bỏ lỡ. Do sự phản đối quyết liệt của cựu Tổng thống Bush, dự thảo luật này dường như không bao giờ có thể nhận được đủ số phiếu của các nghị sĩ quốc hội. Chính vì thế các nhà môi trường học cho rằng khi dự thảo này nhận được sự ủng hộ của Joseph Lieberman – một đảng viên tự do của đảng dân chủ và John Warner – cựu chiến binh đảng viên đảng cộng hòa đã là một chiến thắng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng tăng lên mức xấp xỉ kỉ lục thời gian vừa qua, những người phản đối dự luật này trong Nghị viện Mỹ đã lập luận rằng nếu luật này được thông qua giá xăng sẽ còn tăng, tác động đến người tiêu dùng Mỹ.
Các nhà kinh tế không đồng tình với lập luận này, tuy nhiên những người phản đối dự luật vẫn chiến thắng. Kết quả là dự thảo luật còn thiếu 12 phiếu nữa mới đạt được mức 60 phiếu cần có để được thông qua.
Obama cho biết ông sẽ tiếp tục cố gắng để dự luật được thông qua. Tuy nhiên trước tình trạng kinh tế suy thoái, những nhà môi trường chưa dám hy vọng dự thảo luật này sẽ được thông qua trong một tương lai gần.
5. Quy định mới làm ngừng trệ các nhà máy than
Điện sản xuẩn từ than “bẩn” và rẻ cung cấp tới 49% lượng điện cho nước Mỹ đồng thời lượng khí cacbon thải ra cũng chiếm tới 30% khí thải cả nước – có nghĩa là nếu thêm 100 nhà máy than nữa được xây dựng thì chắc chắn trái đất sẽ còn nóng lên nữa.
Điều này khiến quyết định vào tháng 10 vừa qua của Tòa án Tối cao đối với Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) trở nên vô cùng quan trọng. Trong vụ kiện của Câu lạc bộ Sierra với một nhà máy khai thác than tại Utah, Tòa án đã phán quyết rằng EPA không có cơ sở để từ chối việc điều chỉnh lượng khí thải cacbon do nhà máy than này thải ra. Đồng thời EPA không được cấp phép cho một nhà máy than nào nữa để hạn chế sự phát triển của ngành này.
Quy định này sẽ tạo điều kiện để chính quyền mới của ông Obama buộc ngành công nghiệp than phải lựa chọn giữa sản xuất sạch và bị đóng cửa.
6. Bong bóng ethanol vỡ tan
Vượt trên mọi hi vọng về khai thác nguồn năng lượng mặt trời vô tận hay năng lượng gió ở các nông trại rộng lớn, nguồn năng lượng thay thế thật sự có khả năng đáp ứng được nhu cầu của nước Mỹ chính là ethanol sản xuất từ ngô.
Nhờ vào những khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ dành cho ngành sản xuất ngô, ethanol trở thành ngành công nghiệp 32 triệu USD, với hàng chục nhà máy nằm rải rác ở khu vực Trung Tây, và ¼ sản lượng ngô của cả nước được dùng để sản xuất xăng.
Nhưng năm 2008, trong khi một số nhà khoa học ra sức ca ngợi năng lượng sạch ethanol thì những người dân nghèo trên khắp thế giới cho rằng giá lương thực tăng cao kỷ lục là do sự phát triền bùng nổ của ngành năng lượng sinh học. Bong bóng ethanol vỡ là do đầu tư quá nhiều dẫn đến sự sụt giảm giá ethanol. Các nhà đầu tư có tiếng như Bill Gates cũng đã mất hàng triệu USD khi đầu tư vào các nhà máy sản xuất ethanol.
Mặc dù, các khoản trợ cấp của chính phủ đảm bảo sự tồn tại của ngành năng lượng ethanol, song giấc mơ về một nước Mỹ sẽ thay thế năng lượng dầu mỏ bằng năng lượng từ ngô là khó có thể xảy ra.
7. Nguy cơ tuyệt chủng của gấu trắng Bắc Cực
Nếu có một giải thưởng dành cho các nhà môi trường bất đắc dĩ, ông Dirk Kempthorne – thư ký Bộ Nội vụ sẽ dễ dàng chiến thắng. Năm qua, Kempthorne từng phát biểu rằng loài gấu trắng sẽ được liệt vào danh sách “bị đe dọa” theo luật định Các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (ESA), và loài này trở thành loài động vật đầu tiên bị liệt vào danh sách này do trái đất nóng lên.
Khi nhiệt độ tăng lên, các khối băng ở bắc cực tan ra – môi trường sống của loài gấu trắng bị thu hẹp, khiến loài này rơi vào tình trạng nguy hiểm. Kempthorne đồng thời nhấn mạnh rằng danh sách tuy nhiên sẽ không đủ áp lực khiến nước Mỹ giảm lượng khí thải cacbon – mặc dù nhiệm vụ của ESA là bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Với trường hợp của loài gấu trắng, nguy cơ tuyệt chủng đến từ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng hy vọng việc gấu trắng là loài đầu tiên nằm trong danh sách các động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng do trái đất nóng lên sẽ được ESA biến thành vũ khí hiệu quả chống lại khí thải cácbon.
8. Indonesia đồng ý hợp tác ngăn chặn nạn phá rừng
Số cây rừng bị mất có thể gây ra ít nhất 20% lượng phát thải khí cacbon toàn cầu. Làm thế nào có thể áp quy chế về khí thải cho phép các quốc gia nhiệt đới bảo tồn rừng và đổi lại, được bán lượng khí thải cacbon tương ứng với lượng khí mà khu rừng đó có thể hấp thụ?
Cơ chế đó không thể tồn tại được, một phần bởi các quốc gia nhiệt đới lớn như Brazin hay Indonexia không sẵn sàng chấp nhận mức đền bù cacbon trên thế giới, do lo sợ mất quyền kiểm soát đối với nguồn tài nguyên tự nhiên của mình. Tuy nhiên, Indonexia – quốc gia có lượng khí thải cacbon đứng thứ ba thế giới do tỉ lệ nạn phá rừng cao – giờ đây có vẻ đã sẵn sàng chấp nhận mức đền bù này.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Gov. Arnold Schwarzenegger tại California vào tháng 11 vừa qua, các quan chức Indonesia cho biết, chính phủ của họ sẽ xây dựng khung quy định về chương trình khí thải cacbon, và kí thỏa thuận với Californnia trong việc hợp tác ngăn chặn nạn phá rừng. Điều này có nghĩa là Indonesia đã sẵn sàng để California trợ giúp bảo tồn những khu rừng nhiệt đới đang ngày càng bị thu hẹp – một tín hiệu tích cực cho môi trường.
9. Lần đầu tiên bán đấu giá định mức khí thải cacbon
Những người bảo vệ môi trường nhất trí rằng phương thức khả thi nhất để đưa ra một cái giá cho việc gây ô nhiễm khí cacbon là thiết lập chương trình cắt giảm và trao đổi hạn ngạch khí thải. Nhưng khi các cơ quan nhà nước Hoa Kỳ và những công ty thải ra nhiều khí cacbon được thải miễn phí các khí gây hiệu ứng nhà kính, việc đặt định mức xả thải khí cacbon sẽ chẳng mấy hiệu quả.
Đó là nguyên nhân khiến cuộc bán đấu giá cacbon đầu tiên trong chương trình Khí thải gây hiệu ứng nhà kính – được 10 bang phía Bắc nước Mỹ tổ chức nhằm cắt giảm lượng khí thải trở nên vô cùng quan trọng. Các cơ quan nhà nước trong vùng đã đặt giá 38.5 triệu USD cho việc xả thải 12.5 triệu tấn CO¬2, tạo nguồn thu để các bang có thể tiến hành các chương trình hành động về biến đổi khí hậu.
Quan trọng hơn nữa, với việc buộc các cơ quan này mua quyền xả thải, chính phủ đã ra tín hiệu rằng định mức xả thải cacbon sẽ có hiệu quả – vấn đề sẽ được xem xét trong việc ban hành luật về cắt giảm và trao đổi hạn ngạch khí thải, khi Obama bắt đầu nhậm chức vào năm 2009.
10. Từ của năm: “hypermiling” – “Tiết kiệm nhiên liệu”
Theo từ điển Oxford American, “hypermiling” là nỗ lực nhằm điều chỉnh và tối đa hóa hiệu suất sử dụng xăng dầu nhằm tiết kiệm nhiên liệu của ô tô hay các thiết bị động cơ khác” . Từ này đã được bình chọn là từ của năm 2008.
Kỹ thuật tiết kiệm nhiên liệu bao gồm giữ cho lốp xe căng, tắt máy khi gặp đèn đỏ, tắt điều hòa nhiệt độ và chạy xe với tốc độ đều, chỉ tăng giảm ga nhẹ nhàng.
Lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2004 bởi một lái xe có tên Wayne Gerdes – người đã lập được một số kỷ lục về tiết kiệm nhiên liệu, cụm từ này thực sự được biết đến vào năm 2008 khi giá dầu tăng lên 4$ một thùng trên cả nước Mỹ.
Số lượng các xe hơi loại nhỏ và động cơ tiết kiệm năng lượng tăng lên cho thấy sử dụng nhiên liệu hiệu quả là một khung hướng tất yếu.