ThienNhien.Net – Ngày 05/12/2008, tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN và PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông Xuân 2007 – 2008, triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2008 – 2009 các tỉnh phía Bắc. Tham dự hội nghị có đại diện các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm trực thuộc Bộ NN và PTNT, đại diện Bộ Tài chính, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Sở NN và PTNT 31 tỉnh, thành phố các tỉnh miền Bắc và một số doanh nghiệp liên quan.
Hội nghị đã nghe báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thuỷ lợi, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số ý kiến tham luận của các đại biểu dự hội nghị.
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã có kết luận như sau: vụ Đông Xuân 2007 – 2008 ở miền Bắc là một vụ sản xuất đặc biệt khó khăn với đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày đã làm chết trên 200.000 ha lúa mới cấy và 18.000 ha mạ.
Do rét kéo dài, thời vụ gieo trồng lúa Đông Xuân muộn hơn bình thường nên khả năng mất mùa rất cao; vào giai đoạn cuối vụ sâu bệnh, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu phát sinh trên diện rộng; giá vật tư, phân bón tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất.
Tuy vậy, với chỉ đạo kiên quyết nhằm đẩy mạnh tiến độ gieo cấy, không bỏ đất hoang cùng sự nỗ lực vượt bậc của bà con nông dân nên vụ lúa Đông Xuân 2007 – 2008 toàn miền Bắc thắng lợi lớn, bảo đảm diện tích gieo cấy 1,13 triệu ha và so với vụ Đông Xuân trước, năng suất lúa đạt 59,3 tạ/ha, tăng 5,4 tạ/ha, sản lượng thóc 6,7 triệu tấn, tăng trên 500 nghìn tấn.
Điểm mới trong sản xuất lúa Đông Xuân 2007 – 2008 là diện tích lúa gieo thẳng tăng lên đến 160.000 ha; diện tích ngô, đậu tương tăng so với năm 2007.
Triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2008 – 2009 các tỉnh miền Bắc, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh:
Các đơn vị cần theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để ứng phó nhanh nhạy, điều chỉnh thời vụ kịp thời (rút kinh nghiệm vụ Đông Xuân 2007 – 2008, dự báo rét còn kéo dài nhưng một số nơi không cho ngừng gieo mạ, cấy hậu quả là diện tích này lúa đều bị chết).
Trong điều kiện thời tiết không có biến động lớn, bố trí thời vụ lúa Đông Xuân 2008 – 2009 như sau:
– Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi: bố trí cơ cấu trà lúa xuân sớm và xuân muộn theo tỷ lệ 10 – 15% diện tích xuân sớm ở chân ruộng trũng, sử dụng giống trung và dài ngày, 85 – 90% diện tích xuân muộn cấy giống ngắn ngày (trong đó có các giống lúa lai).
– Vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: sử dụng giống ngắn ngày, lúa trỗ trong khoảng 1/5 ± 5 ngày để né nắng nóng và kịp vụ hè thu (gieo mạ khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2).
– Vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế: phần lớn diện tích sử dụng giống ngắn ngày và bố trí gieo cấy như vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ở chân ruộng trũng cấy giống dài ngày (xuân sớm).
– Vùng miền núi phía Bắc: phần lớn diện tích bố trí trà lúa xuân muộn, trồng giống ngắn ngày, trỗ trong khoảng 10/5 ± 5 ngày.
Đặc biệt, về cơ cấu giống, tuỳ theo khả năng cung ứng giống, diện tích lúa lai có thể gia tăng, nhất là khai thác lợi thế lúa lai cho vùng Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh miền núi. Trong các giống lúa lai, ưu tiên sử dụng các giống có phẩm chất gạo tốt và ngắn ngày. Tăng diện tích nhóm lúa thuần chất lượng cao, ngắn ngày để thay thế bớt diện tích giống Khang Dân và Q5.
Lưu ý trong kỹ thuật canh tác:
– Cần ứng dụng kỹ thuật làm mạ chống rét để bảo vệ mạ tốt.
– Tổng kết kinh nghiệm lúa gieo thẳng để tiếp tục mở rộng diện tích lúa gieo thẳng nơi có điều kiện (mặt bằng ruộng tốt, chủ động tưới tiêu).
– Thực hiện mô hình sử dụng máy cấy, máy gặt lúa.
– Ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa theo hướng giảm chi phí, nâng cao chất lượng.
Các Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2008 – 2009, bao gồm chính sách hỗ trợ, trình UBND tỉnh, thành ban hành và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện.
Cục Trồng trọt chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai sản xuất vụ Đông Xuân, chú ý kiểm tra khâu chuẩn bị giống và thực hiện kế hoạch gieo cấy để bảo đảm đúng thời vụ của các địa phương.
Cục Bảo vệ thực vật dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh hại cây trồng vụ Đông Xuân để thông báo cho các địa phương có biện pháp phòng trừ kịp thời, giám sát diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng; tăng cường công tác quản lý về thuốc BVTV.
Cục Thủy lợi phối hợp chỉ đạo các địa phương tu bổ công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, phối hợp với Cục Trồng trọt để nắm thời vụ gieo cấy để bảo đảm đủ nguồn nước theo yêu cầu thời vụ.
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xây dựng các quy trình sản xuất lúa theo hướng giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả (quy trình thực hành sản xuất tốt “GAP”), trước mắt cho lúa Đông Xuân đối với lúa cấy và lúa gieo thẳng.
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình về lúa gieo thẳng, ứng dụng máy cấy, máy gặt, thâm canh rau màu, chương trình rau sạch…