ThienNhien.Net – Hiện nay nhiều sông, ngòi của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị bức tử vì ô nhiễm trầm trọng. Sáng23/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Cải tạo khắc phục ô nhiễm và khôi phục cảnh quan môi trường sông” nhằm tìm các biện pháp cụ thể để “cứu” những dòng sông trước khi quá muộn.
Những kinh nghiệm của Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước đã thành công trong việc cải tạo nhiều lưu vực sông thành công viên sinh thái đã được trình bày tại hội thảo.
“Cứu” các sông ô nhiễm-muốn vội cũng không được (!)
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường, TS Nguyễn Thế Đồng cho biết, Việt Nam lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của tất cả các nước để xem xét vận dụng tại Việt Nam.
Ông Đồng khẳng định, quản lý môi trường lưu vực sông là vấn đề hết sức phức tạp và phải kiên trì, không thể có kết quả trong ngày một ngày hai.
Tuy nhiên vấn đề kinh phí và cách thức tiến hành vẫn còn là bài toán phức tạp với điều kiện Việt Nam.
“Khó khăn nhất đối với Việt Nam là trình độ phát triển hạ tầng đang ở mức thấp, công tác quy hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, điều kiện kinh tế chưa được như mong muốn. Ý thức của doanh nghiệp và người dân chưa tốt…”, Ông Đồng nói.
Hiện Việt Nam đã thành lập 3 ủy ban lưu vực sông Cầu, sông Đáy và sông Đồng Nai. Các ủy ban đã bắt đầu vào việc, khẩn trương thảo luận với các địa phương và bộ, ngành liên quan, làm rõ trách nhiệm của địa phương, bộ ngành trong việc này. Tuy nhiên, tất cả mới được bắt đầu trong năm 2008, công việc còn bộn bề và sự phối hợp chưa thật tốt.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại các sông của Việt Nam diễn ra đã khá lâu. Việc tìm ra các giải pháp cấp thiết để giải quyết tình trạng ô nhiễm này ngày càng cấp bách. Tuy nhiên, để tìm ra “bài thuốc” thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam lại là việc “muốn vội cũng không được.”
Triển khai ngay các biện pháp cấp bách
Tuy nhiên theo đại diện của Tổng Cục Môi trường, trong thời gian chờ đợi nghiên cứu, tìm phương án tối ưu để “cứu” các con sông đang ô nhiễm, chúng ta cần tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách để hạn chế, giảm thiểu mức ô nhiễm hiện nay.
Trước hết cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở trên lưu vực sông, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời các Bộ KHĐT và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của các tỉnh, TP; khả năng chịu tải và tự làm sạch của các sông trong lưu vực và hạn chế cấp phép đầu tư 5 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nặng nhất, gồm: chế biến tinh bột sắn, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm, thuộc da và sản xuất bột giấy.
Địa phương cần chủ động chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt riêng cho các đô thị và khu dân cư; thực hiện ngay việc lập, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt các đô thị lớn đạt TCVN, từng bước khắc phục và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm, đảm bảo đến năm 2020 cơ bản xử lý triệt để ô nhiễm do nước thải đô thị.