ThienNhien.Net – Hà Nam là tỉnh địa hình trũng, có nhiều ao, hồ và các con sông như: Sông Đáy, sông Nhuệ, sông Sắt, sông Châu… chảy qua. Do vậy, nguồn nước ngầm trên địa bàn khá phong phú. Tuy nhiên nguồn nước ngầm của tỉnh đang bị suy giảm, ô nhiễm vì nhiều lý do.
Theo thống kê của ngành chức năng, trữ lượng khai thác nước ngầm tiềm năng của tỉnh Hà Nam đạt tới 165 triệu m3, việc khai thác nước ngầm thông qua giếng khơi, giếng khoan trong tỉnh hiện khá dễ dàng. Tuy nhiên, chất lượng nước ngầm ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang có chiều hướng bị nhiễm bẩn khá cao.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp không qua xử lý ô nhiễm nặng từ các tỉnh, thành, nhất là Hà Nội đổ về Hà Nam với lưu lượng quá lớn. Trong khi đó, các ao, hồ, sông, kênh… ở tỉnh quá sức chịu đựng và đánh mất khả năng tự làm sạch. Vì vậy, nước ô nhiễm dễ dàng thẩm thấu xuống lòng đất.
Qua phân tích, tổng hợp của ngành chức năng. nước ngầm tại Hà Nam vùng có độ khoáng hoá < 0,1g/l, chiếm khoảng 50% diện tích. Hàm lượng As, Fe, cadimi, Cl-, CN-, NO2… trong nước ngầm có ở nhiều địa phương vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Điển hình tại thôn Trung Hoà, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên hàm lượng As là 2,978mg/l, vượt 59,56 lần so với tiêu chuẩn cho phép; tại xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân hàm lượng As lên tới 2,433mg/l ,vượt 48,66 lần tiêu chuẩn cho phép. Điều đáng quan tâm qua phân tích ở 7069 giếng khoan trong tỉnh, có tới 3609/7069 giếng bị nhiễm asen từ 2 đến 62 lần tiêu chuẩn cho phép, chiếm 51%.
Hiện Hà Nam có hơn 94.000 công trình khai thác, sử dụng nước ngầm chủ yếu của các hộ gia đình. Việc khai thác nước ngầm diễn ra tràn lan, không theo quy hoạch, không được hướng dẫn về kỹ thuật nên dẫn tới suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn phát thải vào lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ…nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước mặt và đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Bước đầu, nhiều doanh nghiệp đã cam kết, đồng thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải nguy hại…
Tuy nhiên, các biện pháp xử lý sai phạm chưa đủ sức răn đe nên không ít doanh nghiệp, đơn vị sản xuất xử lý ô nhiễm môi trường vẫn mang tính đối phó.