ThienNhien.Net – Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị, Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới là một thỏa thuận rất quan trọng giữa các quốc gia thành viên, xuất phát từ chính truyền thống “đoàn kết, hợp tác” của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nhằm cùng nhau ngăn ngừa, kiểm soát các nguồn cháy, giảm thiểu các tác động tiêu cực về tài sản, tài nguyên và ô nhiễm khói mù của đất nước mình, giảm thiểu các tác động tiêu cực bởi khói mù sang các nước láng giềng.
Tháng 6/2002, Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới gồm 8 nước thành viên: Brunei, Campuchia, Lào, Malaixia, Myanma, Singapo, Thái Lan và Việt Nam đã được ký kết. Các thành viên cam kết cùng nhau hợp tác trong việc triển khai và thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và quan trắc ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do cháy đất hoặc cháy rừng nhằm kiểm soát các nguồn gây cháy, bao gồm việc xác định các đám cháy, triển khai quan trắc, hệ thống đánh giá và cảnh báo sớm, trao đổi thông tin và công nghệ, cũng như cung cấp hỗ trợ lẫn nhau.
Khi ô nhiễm khói mù xuyên biên giới bắt nguồn trong phạm vi lãnh thổ của mình, lập tức phản hồi yêu cầu về các thông tin hoặc ý kiến tư vấn liên quan cho một bên hoặc các bên có thể phải chịu tác động của ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, nhằm giảm thiểu hậu quả của ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Để thực hiện hiệu quả Hiệp định ASEAN, khắc phục triệt để tình trạng khói mù trong nước và xuyên biên giới, trong thời gian qua, nước ta đã rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, từ việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến việc tổ chức lực lượng, tăng cường các biện pháp cấp bách về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống cháy rừng từ Trung ương đến địa phương với hơn 20.000 nhóm bảo vệ rừng cộng đồng, 4.000 kiểm lâm viên hỗ trợ các địa phương, 11.000 trạm theo dõi.