ThienNhien.Net – Cái tên Đảo Giáng Sinh không gắn với một câu chuyện huyền thoại nào liên quan đến Chúa trời hay các vị thiên thần, mà chỉ bởi nó đã được vị thuyền trưởng William Mynors của con tàu Đông Ấn phát hiện đúng vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1643. Đây là hòn đảo tự trị thuộc Australia, một hòn đào huyền thoại còn ít được biết đến.
Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên
Đảo Giáng Sinh nằm trong nhóm đảo Cocos của Australia nhưng lại không xa thủ đô Jarkarta của Indonesia, chỉ khoảng 360 km về phía Nam. Với diện tích khiêm tốn 137 km2, hòn đảo là điểm cao nhất thuộc vùng núi lửa cổ xưa nhô cao 5000m so với đáy biển. Những dấu hiệu về nguồn gốc núi lửa của hòn đảo hầu như bị xoá nhòa bởi lớp đá vôi xương san hô xốp và dày cùng lớp đất đá giàu phốt pho. Một số diện tích đất bazan ở phía dưới lộ ra tạo vùng tích tụ nước bề mặt.
Khi mực nước biển thay đổi, đá vôi xói mòn, hình thành nên những bậc thềm nhô lên thành cao nguyên trong đất liền có độ cao từ 250-300 m. Phần lớn diện tích trên đảo là những vách đá lởm chởm, ngoại trừ vùng bờ biển ở phía đông bắc. Hòn đảo này có nền khí hậu nhiệt đới với nhiệt độ trung bình từ 23-290 C và độ ẩm từ 80-90%. Vào mùa mưa từ tháng 12 đến tháng 4, ở khu vực phía Tây Bắc đảo, lượng mưa lên tới hơn 2000mm.
Rừng Đảo Giáng Sinh quy tụ rất nhiều loài thực vật khu vực Ấn Độ – Malaysia và khu vực Quần đảo Tây Nam Thái Bình Dương, hình thành nên vòm thực vật xanh dày với một cộng đồng biểu sinh đa dạng, nhưng ít loài thực vật tầng dưới.
Ở những vùng đất bồi, các vòm thực vật vươn cao tới 50m với các loài phổ biến thuộc họ Sến, chi Trâm thuộc họ Đào Kim, họ Bồ Hòn, họ Đậu và họ Lưỡi Chó. Rừng tán dưới chủ yếu bao gồm cây thảo dược thuộc hai họ Cau và Dứa gai.
Đảo Giáng Sinh là nơi tập hợp nhiều loài động thực vật lạ và quý hiếm kết hợp của cả hai khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và Tây Nam Thái Bình Dương. Phần lớn diện tích rừng đều còn khá nguyên sơ (Ảnh:environment.gov.au) |
Nền rừng thường lộ ra bởi những lớp lá rụng, hạt và mầm cây đều trở thành thức ăn của hơn 1 triệu con cua đỏ sinh sống trong rừng. Tổng cộng có 237 loài thực vật nguyên sinh và 174 loài nhập cư sống trên đảo. Hầu hết các loài nhập cư chỉ phát triển được trên một diện tích giới hạn.
Đa dạng sinh học
Đảo Giáng Sinh là nơi duy trì được hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên sinh, tập hợp nhiều loài động thực vật lạ và quý hiếm kết hợp của cả hai khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và Tây Nam Thái Bình Dương.
Rừng trên đảo có những nét tương đồng với những khu rừng được phát hiện gần các vùng đảo có núi lửa hoạt động mạnh ở Indonesia. Mặc dù diện tích khá nhỏ nhưng Đảo Giáng Sinh lại có rất nhiều loài sinh vật đặc hữu. Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến loài cú vô cùng quý hiếm có tên khoa học là Ninox natalis, chim Fregata andrewsi, chim điên Abbott đang có nguy cơ tuyệt chủng (Papasula abbotti), chim Ducula whartoni và loài mắt trắng (Zosterops natalis).
Đặc biệt, khu rừng này rất độc đáo bởi là nơi sinh sống của vô số cá thể loài cua đỏ trên cạn (Gecarcoidea natalis). Khối lượng trung bình mỗi cá thể tới 500 gr; mật độ từ 1,2 – 2.6 con/m2 và sinh khối lên tới 1454 kg/ hecta. Cua đỏ đã trở thành sinh vật nổi bật trong rừng Đảo Giáng Sinh.
Loài cua đỏ sống ở tầng dưới tán của rừng nhiệt đới, nơi có đủ độ ẩm để chúng không bị khô khát. Chúng đào những cái hang dài khoảng một cánh tay đến một sải tay, sống độc lập ở đó, ăn xác lá cây, hoa quả và hạt. Mật độ quá dày của loài cua đỏ khiến cho hầu hết quả và hạt rụng xuống đều được chúng tha về và tiêu thụ hết chỉ trong 12 giờ. Chính vì thế nền rừng thường khá sạch sẽ, có rất ít xác thực vật. Vào đầu mùa mưa, thường là từ tháng mười đến tháng mười hai, những con cua trưởng thành dời hang tới vùng bờ biển trong thời gian từ 9-18 ngày. Chúng giao phối gần bờ biển, trong một cái hang do cua đực đào rồi vùi trứng xuống biển và quay trở lại rừng.
Phần lớn diện tích rừng trên Đảo Giáng Sinh đều còn khá nguyên sơ và được khoang vùng bảo tồn thành vườn quốc gia với diện tích chiếm tới 63% diện tích hòn đảo. Vườn quốc gia bao gồm nửa phía tây của đảo cùng một phần tách biệt có diện tích nhỏ hơn ở bờ biển phía tây. Môi trường sống nằm ngoài vườn quốc gia bị chia cách bởi khu vực có chứa mỏ phốt pho, khu dân cư và đường xá, nhưng vẫn là nơi sinh sống của các loài chim bị đe dọa tuyệt chủng.
Những mối đe dọa
Việc khai thác Photpho tiếp tục vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với các loài động vật trên Đảo Giáng Sinh. Nạn phá rừng và khai thác đất đá từ trước năm 1987 đã làm giảm 25% số lượng loài chim điên Abbott làm tổ trên đảo và 15% các loài khác. Các khu vực khai thác phốt pho hiện bị bỏ hoang hoặc là nơi sinh sống của các loài thực vật nhập cư từ nơi khác.
Năm 1990, loài chuột Rattus maclari đã bị tuyệt chủng do lai giống với loài chuột nhập cư vào đảo và nhiễm bệnh. Hai trong số 16 loài cây thuốc cũng đã biến mất.
Sự nhiễu loạn gió ở khu vực này cũng khiến các loài chim điên khó có thể thể làm tổ được. Hiện nay người ta đã giới hạn việc khai thác trong phạm vi những khu mỏ sẵn có, nhưng trong tương lai, nạn phá rừng tại các khu vực nằm ngoài công viên quốc gia sẽ gây những tác động xấu đến các loài động vật đặc hữu.
Chính phủ Australia đang cố gắng tổ chức, quy hoạch lại khu vực khai thác và trồng thêm các cây con bản địa dù chỉ đạt được 10 ha/năm. Cần có thời gian nhất định để khôi phục lại rừng tại các khu vực mỏ trong vườn quốc gia. Loài cua đỏ thì dường như chưa chịu ảnh hưởng. Hy vọng rằng chúng sẽ mãi là một nét độc đáo của hòn đảo xinh đẹp này.