Hà Nội: Nghịch lý ô nhiễm môi trường ở xã Hữu Bằng

ThienNhien.Net – Nói đến Hữu Bằng là nói đến một xã giàu nhất của huyện Thạch Thất – Hà Nội nhưng cũng là một điểm bức xúc nhất về ô nhiễm môi trường. Về xã đúng vào dịp hàng ngàn tấn rác đang tồn đọng trong các khu dân cư sau sự cố bãi rác Núi Thoong phải đóng cửa mới thấy hết tình trạng đáng báo động của vệ sinh môi trường nơi đây. Đặc biệt, trận ngập lụt lịch sử vừa qua, nhiều khu vực trong xã biến thành "ao tù, nước đọng" người dân sống trên bèo rác và nước bẩn, nguy cơ bùng nổ dịch bệnh rất khó kiểm soát.

Qua tìm hiểu thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiếm môi trường ở xã Hữu Bằng xuất phát từ những hạn chế trong vấn đề quy hoạch, quản lý hạ tầng đến trình độ quản lý của chính quyền xã Hữu Bằng và ý thức yếu kém của người dân.

Theo phân tích của ông Trịnh Duy Ưng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất, vấn đề vệ sinh môi trường ở xã Hữu Bằng có những yếu tố liên quan đến tình hình dịch bệnh, đó là: nước sinh hoạt không đầy đủ, rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày rất lớn nhưng không được xử lý triệt để, ô nhiễm, bụi, tiếng ồn từ làng nghề, nhiều hộ gia đình không có hố xí hợp vệ sinh, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn kém. Bên cạnh đó, xã Hữu Bằng không có quy hoạch tổng thể, cống rãnh ao hồ lộn xộn, cả xã chỉ còn một cái ao.

Theo báo cáo của lãnh đạo xã Hữu Bằng, trước đây, xã Hữu Bằng có 20 mẫu ao hồ nhưng nay bị lấn chiếm hết chỉ còn một cái ao duy nhất là ao Sen trước cửa đình làng. Tuy nhiên giờ đây, do xã buông lỏng quản lý, người dân lấn chiếm làm nhà cửa, công trình phụ xả nước thải thẳng xuống ao Sen biến nơi đây thành nơi chứa nước thải, ô nhiễm trầm trọng.

Năm ngoái xã đã tiến hành giải tỏa các hộ dân lấn chiếm mặt ao và 23 công trình phụ xung quanh ao; đồng thời đầu tư 500 triệu đồng nạo vét bùn đất và 900 triệu đồng để làm đường dạo, ghế đá trồng cây xanh… xung quanh ao. Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống thoát nước của xã hiện nay đã quá cũ kỹ và xuống cấp, trong khi đó ngân sách xã không đủ để đầu tư cải tạo nên cứ mưa xuống là nhiều tuyến đường trong xã có nơi ngập sâu gần 1m.

Hữu Bằng là xã đi tiên phong của huyện Thạch Thất trong phát triển làng nghề và kinh doanh buôn bán nhưng ý thức vệ sinh môi trường của người dân Hữu Bằng rất hạn chế. Cả xã có 178 hộ dân với tổng số 16.000 nhân khẩu, trong đó 90% số hộ gia đình có nghề mộc, kinh doanh dịch vụ buôn bán đồ dân dụng, gia dụng.

So với các xã của huyện Thạch Thất, đời sống của người dân ở đây gần như khá nhất. Không còn đất làm nông nghiệp, người dân phát triển mạnh sản xuất đồ mộc, thu nhập bình quân 800.000- 9.00.000 đồng/người/tháng, khoảng 100 hộ có ô tô, nhiều hộ thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng/tháng. Giàu có như vậy nhưng trong xã vẫn còn 40% số hộ chưa có hố xí hợp vệ sinh, nhiều gia đình không chịu nộp lệ phí thu gom rác thải.

Hai vấn đề nan giải nhất hiện nay của xã Hữu Bằng là vấn đề thu gom, xử lý rác thải và nước sạch. Hữu Bằng là 1 trong 7 xã của huyện Thạch Thất được huyện ký hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai thu gom rác thải trung bình 250-270 tấn rác/tháng, trong đó kinh phí huyện cấp 50%, 50% còn lại xã thu của dân với mức quy định 2000 đồng/người/tháng và huy động xã hội hóa thêm 2000 đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, do việc tuyên truyền chưa được sâu sát, người dân chưa có ý thức đóng góp đầy đủ nên việc thu tiền còn gặp khó khăn. Anh Nguyễn Văn Bảy, Tổ trưởng tổ thu gom rác phàn nàn: Có tới trên ½ số hộ dân không chịu đóng tiền lệ phí thu gom rác. Lệ phí không thu được của dân nên việc duy trì thu gom rác là rất khó khăn. Xã không có chế tài, người dân không tự giác đóng góp, điển hình như thôn Ba Mác cả thôn không chịu nộp tiền, kể cả trưởng thôn, người dân vứt rác bừa bãi ra đường.

Sau sự cố bãi rác Núi thoong phải đóng cửa, gần 1.000 tấn rác tồn đọng trong xã, tổ thu gom phải đưa ra bãi tập kết để đốt. Đặc biệt trong đợt ngập lụt vừa qua, rác trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Hiện tại, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai đã tiến hành thu gom trở lại nhưng lãnh đạo xã Hữu Bằng vẫn canh cánh nỗi lo rác thải. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Cát khi trao đổi với phóng viên tha thiết đề nghị công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai “châm chước” vấn đề nếu có chậm kinh phí vẫn tiếp tục thu gom rác thải cho xã.

Đối với vấn đề nước sạch, xã đã có một trạm cấp nước mới cung cấp được cho khoảng 50% số hộ dân, số hộ còn lại sử dụng nước giếng khoan và nước mưa. Vào lúc nắng hạn, kể cả giếng khoan cũng cạn nước, nhiều hộ phải mua nước giá 30.000 đồng/m3 về đổ xuống giếng để sử dụng.

Trước những vấn đề bức xúc như vậy, bằng nguồn kinh phí của thành phố, huyện và của doanh nghiệp, huyện Thạch Thất đã có dự án đầu tư xây dựng một nhà máy nước sạch và một nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, dự án xây dựng nhà máy nước đã khởi công từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa có mặt bằng xây bể lắng, bể lọc. Người dân lấn chiếm làm lán trại còn chính quyền xã thì bất lực không giải tỏa được.

Để giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Hữu Bằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền huyện Thạch Thất và các ngành chức năng nhằm tạo chuyển biến về nhận thức cũng như hành vi cho người dân trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng đô thị phục vụ nhu cầu cấp thiết cho người dân địa phương.