ThienNhien.Net – Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng mạnh song rõ ràng nó đang phải đối mặt với vô vàn thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề chất lượng hàng hóa. Nếu như trước đây các sản phẩm “Made in China” luôn được xếp vào “top” tiêu thụ mạnh nhất nhờ sự phong phú, đa dạng và đặc biệt là giá thành phải chăng thì giờ đây nó đang bị chính người tiêu dùng chối bỏ sau hàng loạt bê bối.
Sản xuất hàng kém chất lượng là tự đánh mất mình
Các mặt hàng mang nhãn “Made in China” có mặt khắp nơi trên thế giới, nhiều đến mức du khách tới Mỹ nếu lơ là quên không kiểm tra nhãn mác khi mua một món đồ về làm quà, anh ta rất có thể sẽ vớ phải một đồ được sản xuất ở “China”.
Thực ra, sản phẩm của Trung Quốc cũng đã được chấp nhận tại nhiều thị trường bởi tính hấp dẫn và cạnh tranh của nó. Song, những điều liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đã không khỏi khiến người tiêu dùng giật mình và ngờ vực, thậm chí tẩy chay phản đối những sản phẩm này.
“Tôi rất bực mình khi xem tin tức trên ti vi”, Sally Villegas, một bà mẹ ở Australia bức xúc khi nhắc đến vụ xì căng đan sữa bột trẻ em nhiễm melamine được phanh phui hồi tháng 9 vừa qua, “Bây giờ, khi đi mua sắm, nếu nhặt phải bất kỳ một món đồ nào xuất xứ từ Trung Quốc, tôi sẽ trả lại nó ngay lập tức”.
Vụ xì căng đan melamine là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ bê bối lớn về an toàn sản phẩm gần đây của Trung Quốc. Trước đấy là vụ bê bối đồ chơi có sơn nhiễm chì được phát hiện ở Mỹ và Đức, khiến Trung Quốc phải thu hồi toàn bộ sản phẩm trên toàn cầu vào đầu năm nay.
“Tôi cho rằng có một điều rõ ràng đối với người Trung Quốc, đó là khi tồn tại vấn đề chất lượng của sản phẩm, nó không đơn thuần chỉ ánh hưởng đến riêng một ngành.”, Bộ trưởng y tế Mỹ Mike Leavitt cho biết trong một chuyến công du tới Thượng Hải, “Nó sẽ hủy hoại tất cả các sản phẩm mang nhãn hiệu xuất xứ từ Trung Quốc”.
Trong tháng 11, Mỹ chính thức ra cảnh báo đối với đồ thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời tiến hành thu hồi các loại thực phẩm ở vùng biên bất chấp rằng các nhà nhập khẩu có thể chứng minh rằng chúng không chứa sữa hoặc không có melamine.
Động thái của Mỹ đã khiến Trung Quốc phản đối, lên án là hành động “đơn phương”. Tuy nhiên, dẫu nội tình quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ hay các nước khác có ra sao, người tiêu dùng đã quyết định rút lại ví tiền của mình.
Với cái nhìn bao quát hơn, Matthew Crabbe, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu Thị trường Access Asia, cho rằng mọi chuyện không đơn giản chỉ là tẩy chay tất cả hàng hóa Trung Quốc bởi Trung Quốc không chỉ sản xuất hàng hóa trong nước mà cả ở nhiều nơi khác trên thế giới “Nếu người Trung Quốc sản xuất hàng hóa tại Bangladesh hay một nơi nào đó khác, những chuyện tương tự đều có thể xảy ra. Mấu chốt nằm ở khâu quản lý chất lượng”. – Matthew phát biểu.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau mỗi vụ bê bối, chính quyền Bắc Kinh đều có những động thái tỏ rõ trách nhiệm của mình, bằng việc phát động các đợt kiểm tra, truy quét, tiêu hủy hàng hóa bị nhiễm độc, ra thông cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, hứa hẹn sẽ “quan tâm nhiều hơn” và thậm chí bắt giam một số quan chức.
Song, điều đáng lo lắng là những nỗ lực đó dường như không xuể, do ở Trung Quốc việc thi hành luật vẫn lỏng lẻo, có quá nhiều ngành lẻ tẻ trong khi hệ thống quản lý nhất quán chưa có, và Trung Quốc thì…quá rộng lớn.
Duncan Innes-Ker, một chuyên gia phân tích tại Cơ quan An ninh kinh tế Bắc Kinh nhận xét: “Tôi chắc chắn rằng những vụ bê bối này sẽ còn tiếp diễn, không chỉ trong những ngành mà chúng ta đã kiểm tra, mà còn cả ở những ngành khác”.
Jin Biao, Phó chủ tịch tập đoàn sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc, thừa nhận vụ bê bối melamine đã làm cho hàng hoá Trung Quốc điêu đứng. Ông nói: “Vấn đề quản lý sữa nhiễm độc thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi không đổ lỗi cho những người nông dân hay cho xã hội, đất nước”. Được biết, tập đoàn của Jin Biao cũng có trên trong danh sách 22 công ty sản xuất sữa có chứa melamine.