Thay đổi khí hậu – nguyên nhân lan truyền dịch bệnh

ThienNhien.Net – Tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới của IUCN diễn ra tại Tây Ban Nha hồi tháng10, các chuyên gia của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) đã công bố bản báo cáo có tựa đề “Bệnh dịch của động vật hoang dã thời thay đổi khí hậu”. Bản báo cáo liệt kê 12 loại dịch bệnh có thể lan truyền do thay đổi khí hậu và đưa ra những giải pháp cùng nghiên cứu ban đầu nhằm ngăn chặn bệnh dịch lan tràn.

Tác động của biến đổi khí hậu tới những căn bệnh toàn cầu phần lớn bị lấn át bởi tin tức về hiện tượng băng tan, về loài gấu ăn thịt bắc cực hay về các xung đột do tình trạng hạn hán. Tiến sĩ Steven Sanderson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành WCS phát biểu: ”Thuật ngữ ‘thay đổi khí hậu’ làm ta liên tưởng đến hình ảnh băng tan và mực nước biển tăng… nhưng điều quan trọng cần lưu ý là tác động của hiện tượng thay đổi mực nước và tăng nhiệt độ trái đất tới sự phân bổ các mầm bệnh nguy hiểm…”

12 bệnh dịch nguy hiểm do Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã liệt kê là các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được dự báo là sẽ lan truyền do hiện tượng thay đổi khí hậu. Báo cáo cũng đồng thời nhấn mạnh rằng danh sách này chưa đầy đủ và một số loài trên thực tế chưa thể khẳng định chắc chắn là loài gây truyền nhiễm.

1. Bệnh nhiễm kí sinh trùng babesia: Đây là loại bệnh do ve, lây truyền tới cả động vật hoang dã và con người. Bản thân bệnh này đã nguy hiểm, nó đồng thời còn là nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch đối với các bệnh lây nhiễm khác. Ví dụ, do điều kiện khô hanh, số lượng loài ve ở vùng tây Phi tăng, đã khiến hàng loạt sư tử chết vì bệnh Carré(*) sau khi bị kí sinh trùng babesia làm suy yếu. Loại bệnh này đang trở nên phổ biến ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Bệnh cũng liên quan đến việc thay đổi môi trường sống của ve.

2. Bệnh cúm gia cầm: Thay đổi khí hậu có thể phá vỡ sự vận động và di trú tự nhiên của các loài chim hoang dã, khiến chúng tiếp xúc nhiều hơn với gia cầm, một nguyên nhân gây lan tràn bệnh cúm. Một thể của cúm gia cầm là H5Nl có thể lây bệnh sang con người và gây tử vong. Các chuyên gia y tế lo ngại về khả năng bệnh này truyền nhiễm từ người sang người.

3. Bệnh lao bò: Khí hậu thay đổi ảnh hưởng đến nguồn nước tự nhiên, một lý do dẫn đến sự thay đổi môi trường sống của động vật và đồng thời cũng mang căn bệnh lây nhiễm đến một địa điểm mới. Căn bệnh này lây lan từ gia súc sang động vật hoang dã và con người, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên và sự an cư của loài người.

4. Bệnh dịch tả: Đây là một loại bệnh lây qua đường nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phần lớn các nước đang phát triển. Sự tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng khả năng phát tán căn bệnh này. 

5. Sốt xuất huyết Ebola:
Ebolà là một loại vi rút gây tử vong ở người, khỉ đột và tinh tinh. Hiện chưa có biện pháp chữa trị căn bệnh này. Các chuyên gia y tế tin rằng biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho virus này lan rộng tới những địa điểm mới.

6. Bệnh do các loài kí sinh
: Những loài sống kí sinh được dự đoán sẽ lan rộng và phân bố lại môi trường sống khi nhiệt độ và lượng nước thay đổi. Trong số chúng, một số loài có ảnh hưởng đến nhiều loài, trong đó có loài người, nhưng một số loài kí sinh khác chỉ gây bệnh cho một loài, ví dụ Baylisascaris schroederi chỉ gây bệnh cho gấu trúc lớn. Một nghiên cứu vào năm ngoái cho thấy 50% trường hợp gấu trúc tử vong trong vòng 5 năm qua là do loài kí sinh.

7. Bệnh Lyme(**): Giống như bệnh nhiễm kí sinh trùng Babesiosis, bệnh Lyme cũng do ve truyền nhiễm. Thay đổi khí hậu làm thay đổi sự phân bố của ve, gây nên dịch bệnh ở những địa điểm mới. Người bị ve mang mầm bệnh cắn có thể bị ốm nặng.

8. Bênh dịch hạch: Bệnh này rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của động vật hoang dã, gia cầm, và cả con người. Sự lây lan của bệnh là do bọ chét ký sinh trên những loài động vật thuộc bộ gặm nhấm di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Khi khí hậu thay đổi, động vật thuộc bộ găm nhấm sẽ di chuyển trên phạm vi rộng và mang mầm dịch tới những khu vực mới.

9. Bệnh do hiện tượng thuỷ triều đỏ: Một dạng tảo nở hoa đang lan rộng khắp. Độc tố của loại tảo này gây hại cho môi trường, nguy hiểm cho con người và động vật sống gần biển như các loại chim biển, sinh vật biển… Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà tới cả nền kinh tế. Con người cũng bi bệnh do ăn phải độc tố. Nhiệt độ ở biển thay đổi được dự đoán là nguyên nhân khiến hiện tượng thủy triều đỏ trở nên phổ biến hơn.

10. Sốt thung lũng Rift: Dịch sốt này đang có ảnh hưởng lớn đến con người và vật nuôi vùng Trung Đông và Châu Phi. Vật nuôi nhiễm bệnh này có nguy cơ sảy thai và tử vong cao. Bệnh này cũng rất nguy hiểm đối với con người. Rất nhiều loài muỗi (Aedes, Anopheles, Culex, Eretmapodites, Mansonia,..) là nhân tố trung gian truyền bệnh này, do đó nguy cơ dịch bệnh ở những nơi tồn tại các loài muỗi này là rất lớn. Sự phân bố của mỗi truyền bệnh cũng thay đổi khi trữ lượng nước của các vùng thay đổi do tác động của thay đổi khí hậu. Điều này đồng nghĩa với việc khu vực bị tác động của bệnh dịch này cũng sẽ thay đổi.

11. Bệnh buồn ngủ: Bệnh do loài ruồi tsetse (ruồi xê xê) truyền nhiễm. Cả người và động vật đều có thể mắc căn bệnh này. Bệnh xuất hiện ở 36 nước thuộc vùng hạ Sahara – Châu Phi gây tử vong 40 000 người mỗi năm. Cũng như muỗi và ve, môi trường sống của ruồi tsetse cũng có thể thay đổi do sự thay đổi khí hậu.

12. Bệnh sốt vàng da: Bệnh sốt vàng da do muỗi truyền nhiễm. Khi muỗi di chuyển do thay đổi mực nước, có khả năng bệnh này sẽ xuất hiện ở nơi mới. Bệnh này có thể tác động tới động vật linh trưởng và con người. Mới đây, ở Brazil và Argentina số lượng động vật linh trưởng giảm đột ngột do dịch sốt vàng da.

Danh sách các bệnh dịch có thể thay đổi phạm vi tác động kể trên bao gồm một số bệnh nổi tiếng nguy hiểm như cúm gia cầm và sốt xuất huyết Ebola, song cũng có các bệnh khác ít được biết đến ngoài khu vực chúng xuất hiện.

Các nhà nghiên cứu tin rằng cách tốt nhất kiểm soát dịch bệnh là kiểm tra thường xuyên sức khoẻ động vât hoang dã ở những vùng nguy cơ. Theo ông Sanderson: “Sức khoẻ của động vật hoang đã có mối liên quan chặt chẽ đến hệ sinh thái nơi chúng sống và bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, và thậm chí chỉ một sự thay đổi nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả sâu rộng lên các căn bệnh mà chúng có thể gặp phải và biến đổi thành dạng khác do khí hậu thay đổi. Theo dõi sức khoẻ động vật hoang dã sẽ giúp chúng ta dự đoán nơi vấn đề xuất hiện và lên kế hoạch đối phó.”

Hơn nữa, theo dõi sức khoẻ của động vật hoang dã có thể giúp ta hiểu rõ hơn về sự thay đổi môi trường sống. Tiến sĩ William Karesh, giám đốc Chương trình Sức khoẻ Toàn cầu của WCS, mô tả việc giám sát sức khoẻ động vật hoang dã như ”một thấu kính mới để quan sát những thay đổi quanh ta và giúp chính phủ, các cơ quan chức năng, cộng đồng nhận thấy và làm giảm nhẹ các đe doạ trước khi chúng trở thành thảm hoạ.”


(*) Bệnh Carré: Là bệnh truyền nhiễm do virus distemper họ Paramycoviridae gây ra ở chó, chồn, gấu, họ mèo hoang với những biểu hiện triệu chứng trên các hệ thống hô hấp: ho chảy mũi, tiêu chảy, ói mửa, rối loạn thần kinh trung ương. (Theo Anova.com.vn)

(**) Những dấu hiệu của bệnh Lyme đã được biết từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Đức, Pháp, được coi là liên hệ với xoắn trùng Borrelia. Bệnh được mô tả đầy đủ khi có nhiều trường hợp xảy ra ở Lyme, tiểu bang Connecticut thuộc vùng Đông Bắc Hoa Kỳ năm 1975. (Theo Yhocngaynay.com)