ThienNhien.Net – Báo cáo mới nhất của Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động vật hoang dã (TRAFFIC) cho biết nạn buôn bán voi và ngà voi trái phép đang ngang nhiên diễn ra ở Myanmar. Trong vòng 1 thập kỷ, khoảng 250 con voi châu Á đã bị buôn lậu từ Myanmar sang Thái Lan, chủ yếu để phục vụ ngành du lịch. Tại 14 khu chợ và 3 chợ vùng biên của Myanmar giáp Thái Lan và Trung Quốc, các nhà điều tra cũng đã phát hiện khoảng 9000 mảnh ngà và 16 ngà voi nguyên chiếc được bày bán công khai.
Những người bán lẻ bày bán khá tự do ngà và các bộ phận khác của voi. Họ dường như không ngần ngại che giấu những mánh buôn lậu và các hoạt động bất hợp pháp khác khi nhân viên TRAFFIC giả làm người mua tiềm năng.
Việc buôn lậu voi sống, ngà và các bộ phận khác của voi sang các nước láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan đang diễn ra ở Myanmar là sự vi phạm ngang nhiên luật pháp quốc gia và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Chris Shepherd, chuyên gia của TRAFFIC cho hay bản báo cáo cho thấy rõ sự thả lỏng luật pháp quốc gia nghiêm trọng và sự coi thường các công ước quốc tế ở Myanmar và các quốc gia lân cận.
“Voi cái và voi non là mục tiêu chủ yếu của thợ săn để bắt đưa sang Thái Lan phục vụ du lịch. Ở đây, chúng bị bắt làm việc trong những trại voi leo núi” – Shepherd nói – “Chúng tôi đã phát hiện thấy có những dấu hiệu tham nhũng đằng sau hoạt động buôn lậu ngà voi và voi trái phép đang diễn ra ở đây.”
Tuy nhiên, Myanmar và Thái Lan không hề có báo cáo nào về những hoạt động này cho CITES. Một vài nhà buôn được hỏi thậm chí còn khẳng định rằng voi đã biến mất khỏi 1 số vùng của Myanmar.
“Những câu chuyện về sự biến mất của loài voi cùng với lượng lớn ngà và các bộ phận khác của voi bị mua bán ở các chợ được ghi nhận một cách chắc chắn trong thời gian 7 năm qua đã cho thấy rằng hoạt động buôn lậu đang đe dọa sự tồn tại của loài voi châu Á ở Myanmar.” Ông Vincent Nijman, đồng tác giả của bản báo cáo nhận định.
TRAFFIC và WWF đang kêu gọi chính quyền Myanmar cùng làm việc với các quan chức thực thi luật pháp ở Thái Lan và Trung Quốc nhằm chặn đứng nạn buôn bán trái phép voi sống và ngà voi.
“Cả Thái Lan và Trung Quốc phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tăng cường sự nghiêm minh của luật pháp và chặn đứng những hành vi vi phạm trắng trợn này.” – Susan Lieberman, Giám đốc Chương trình bảo tồn loài quốc tế của WWF phát biểu.
“Myanmar có nhiều tiềm năng khả năng trở thành “ngôi nhà lớn” của loài voi châu Á. Nhưng đáng tiếc, nạn sát hại voi trái phép ở đây đang đẩy loài voi đến chỗ tuyệt chủng.” Ajay Desai, đồng chủ tịch của Nhóm chuyên gia nghiên cứu Voi châu Á của IUCN bày tỏ lo ngại: “Các quốc gia láng giềng cần nghiêm túc xem xét lại chính sách của họ đối với voi bị bắt và củng cố luật pháp nhằm ngăn chặn sự mua bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã.”
Được biết, cả Thái Lan và Myanmar đều là thành viên của Mạng lưới bảo vệ động thực vật hoang dã của Đông Nam Á – một sáng kiến mang tính khu vực, được thiết lập để tăng cường sự hợp tác xuyên biên giới nhằm ngăn chặn sự buôn bán động thực vật hoang dã trái phép.