ThienNhien.Net – Các nhà cổ sinh vật học đã lắp ráp lại những mẫu sọ hoá thạch lâu đời nhất từng được tìm thấy của loài tê giác lông rậm (<i>Coelodonta tologoijensis</i>) ở châu Âu. Công trình nghiên cứu đã hé lộ những phát hiện mới về sự tiến hóa của loài động vật này. Nghiên cứu chi tiết được công bố trên tập san Quaternary Science Reviews.
53 mảnh sọ của loài tê giác này được phát hiện vào khoảng năm 1900 trong một hố cát dưới chân dãy núi Kyffhause gần thành phố Bad Frankenhausen, nước Đức. Nhưng đã hơn 100 năm nay chưa ai có ý định lắp các mảnh sọ lại với nhau cho đến khi Tiến sĩ Kahlke của Viện nghiên cứu Senckenberg ở vùng Weimar nước Đức và đồng nghiệp Frederic Lacombat của Bảo tàng Crozatier ở Puy-en-Velay nước Pháp hợp tác với nhau và mới đây tiến hành thành công công việc này.
Theo tính toán của các nhà khoa học, loài thú đã bị tuyệt chủng này có chiều dài tới 3,5m ở tuổi trưởng thành và không giống như họ hàng ngày nay của chúng, toàn thân chúng được bao phủ bằng bộ lông rậm.
Tiến sĩ Ralf-Dietrich Kahlke cho biết đây là loài tê giác có lông lâu đời nhất được phát hiện thấy ở Châu Âu. Phát hiện này giúp chúng ta biết được thời điểm chính xác các loài động vật ở miền khí hậu lạnh lần đầu di trú sang khắp Châu Á và Châu Âu trong kỷ băng hà.
Sau khi nghiên cứu giải phẫu, các nhà khoa học kết luận mẫu sọ này là của loài Coelodonta tologoijensis – một loài tê giác châu Á có lông rậm, trước đây từng được cho là có mặt ở châu Âu. Tê giác lông rậm xuất hiện lần đầu tiên cách đây khoảng 2,5 triệu năm, ở phía Bắc chân núi Himalaya.
Phần lớn thời gian tồn tại của loài này giới hạn trong các môi trường thảo nguyên ở châu Á lục địa. Chế độ ăn của loài này là lá cây gỗ và lá cây bụi. Nhưng vì điều kiện môi trường sống ngày càng trở nên khô cằn, loài tê giác lông rậm này đã thích nghi và trở thành chuyên gặm những cây cỏ mọc gần mặt đất hơn.
Loài động vật này có lẽ đã di trú từ Châu Á vào Đông Âu và Trung Âu trong điều kiện thời tiết lạnh và khô cằn cách đây khoảng 424,000 đến 478,000 năm trước. Sự cố gắng thích nghi về lãnh thổ thể hiện ở những thay đổi trong bộ xương của chúng.
Ông Lacombat cho biết: “Các phân tích mẫu vật ở Frankenhausen đã cho thấy Coelodonta tologoijensis cúi đầu thấp ngang mặt đất và có cái mồm giống như máy xén cỏ với một bộ răng mài lớn. Vì khí hậu trở nên lạnh hơn nên loài động vật này thường ăn những thức ăn dễ kiếm hơn”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng loài tê giác ở Bad Frankenhausen, Coelodonta tologoijensis, là tổ tiên của loài tê giác có lông “thực thụ” Coelodonta antiquitatis, vốn thường sống ở vùng Âu Á trong suốt kỷ băng hà.
Các nhà cổ sinh vật học cho biết phát hiện trên đã lấp bớt khoảng trống trong nhận thức của con người về sự tiến hóa của loài động vật này.