ThienNhien.Net – Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm thế giới có khoảng 500.000 ca bệnh sốt xuất huyết, 2,5% con số đó tử vong. Mặc dù, đây không phải là một tỉ lệ cao song trên thực tế những người bệnh thường yêu cầu việc điều trị cẩn thận và tức thời nên nó đã trở thành một trong những căn bệnh tốn kém nhất ở các nước nhiệt đới.
Dịch sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do một loại muỗi có tên Aedes aegypti truyền vi rút và gây bệnh. Loại muỗi này phát triển mạnh tại những khu vực đông dân cư, hiếm khi bay xa khỏi bán kính 100 m từ nơi sinh ra của mình.
Muỗi sống phổ biến ở khu vực nhiệt đới, có thể đẻ trứng tại bất cứ nơi nào có nước đọng. Tuy nhiên, loài Aedes aegypti đặc biệt hơn. Chúng thường chỉ đẻ trứng tại những nơi nước sạch. Chúng sống chủ yếu trong nhà, trong các khe, hốc như sau rèm cửa, trong nhà kho, gầm giường tủ…
WHO ước tính rằng có 50 triệu người bị nhiễm virut từ muỗi Aedes aegypti hàng năm. Thế nhưng, khoảng 90% số người bị nhiễm chỉ có một chút triệu chứng cúm hoặc thậm chí không có một triệu chứng gì cả.
Còn trong các trường hợp phát bệnh, các triệu chứng thường là rất đau đầu, sốt cao, mỏi khớp, đau cơ, buồn nôn và chảy máu trong. Thông thường, sốt xuất huyết có thể chữa được, chỉ cần người bệnh được đưa tới bệnh viện kịp thời và được chuẩn đoán chính xác. Ngoài ra, việc vệ sinh sạch sẽ có thể ngăn chặn sự lan tràn của vi rút gây bệnh sốt xuất huyết.
Các nhà khoa học tin rằng căn bệnh này đã tồn tại hàng thế kỷ trước vì những năm 1780 cũng đã xảy ra một đợt bùng phát mạnh ở Philadelphia (Mỹ). Tuy nhiên, tần xuất xảy ra dịch sốt xuất huyết trong những thập kỷ gần đây càng ngày càng gia tăng và gây ra nhiều ca tử vong hơn. Vào năm 1970, chỉ có 9 nước được ghi nhận là đã xảy ra bệnh dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất. Đến giữa những năm 1990, con số đã là hơn 30 nước.
Nguyên nhân được quy cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, đặc biệt bằng đường không.
Có 4 loại vi rút gây bệnh sốt xuất huyết. Nếu ai đó bị nhiễm một trong bốn loại này chỉ có thể miễn dịch với riêng loại đó, vì vậy càng dễ bị nhiễm sốt xuất huyết nếu phơi nhiễm với loại thứ hai.
Vắc-xin nào hữu hiệu?
Phát triển một loại vắc-xin hữu hiệu thực sự là một việc khó khăn bởi cùng lúc người ta phải đối phó với cả 4 loại vi rút.
Trước đây, thuốc điều trị sốt xuất huyết thường do quân đội Mỹ nghiên cứu và phát triển. Điều này cũng dễ hiểu vì người ta ước tính số quân nhân Mỹ bị sốt xuất huyết trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam ít ra cũng lên tới con số hàng ngàn. Ngày nay, Mỹ và Thái Lan vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra loại vắc-xin hiệu quả chống sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thái Lan cũng hợp tác với hãng dược phẩm nổi tiếng Sanofi Aventis của Pháp đang phát triển một loại vắc-xin chống căn bệnh này. Loại vắc-xin này đã được thử nghiệm trên 4.000 trẻ em Thái Lan và là một trong những vắc-xin đầu tiên được sản xuất trên công nghệ gen.
Một chuyên gia ĐH Y của Singapore nhận xét: “Chúng ta đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu phòng và điều trị sốt xuất huyết. Rất có thể chúng ta sẽ điều chế được loại vắc-xin hiệu quả thực sự trong vòng 5 – 7 năm nữa.”
Còn những ý kiến khác thì cho rằng cuộc chạy đua của hàng loạt các nghiên cứu, dù với động cơ thu lợi nhuận hay không, đang ảnh hưởng tích cực và thúc đẩy cơ hội nghiên cứu thành công loại vắc-xin này.