ThienNhien.Net – Tình trạng khai thác khoáng sản không giấy phép đang diễn ra phổ biến ở Đắk Lắk, gây lãng phí và thất thoát tài nguyên, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Đắk Lắk có nguồn khoáng sản phi kim loại khá phong phú với trữ lượng lớn, phân bố nhiều vùng, tập trung là đá granit, khoáng vật Fenspat, thạch anh, cao lanh, các loại đá xây dựng, sét, cát, than bùn. Tuy nhiên đến nay, tỉnh vẫn chưa đánh giá được trữ lượng các loại tài nguyên trên và chưa quy hoạch được các vùng khai thác khoáng sản.
Qua kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý tài nguyên thiên nhiên, trên địa bàn tỉnh có 329 đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tuy vậy, chỉ có 53 doanh nghiệp, đơn vị có giấy phép kinh doanh, còn lại 22 tổ chức không có giấy phép. Riêng 254 cá nhân (100%) không có giấy phép khai thác khoáng sản.
Hầu hết các đơn vị, cá nhân tìm đến những vùng khoáng sản lộ thiên, có đường đi lại dễ dàng để khai thác với giá thành rẻ nhất. Việc nổ mìn lấy đá, cho máy đào sét, xúc cát tại nhiều vị trí đã phá nát đồi núi, huỷ hoại cảnh quan, gây xói lở sông suối và làm hư hại đường sá. Nhiều cơ sở khai thác sét làm gạch ngói tại thị trấn Buôn Trấp và xã Ea Bông (huyện Krông Ana) đã huỷ hoại nhiều diện tích đất canh tác, đổ chất thải và xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường.
Ở các huyện Krông Bông, Krông Pách, Lắc, Ea Súp, Ea H’leo và Cư Kuin là những địa phương có nhiều loại khoáng sản phi kim loại đang mở ra hàng loạt công trường khai thác đá, sét, cát và than bùn nhưng chưa được cấp giấy phép, gây sạt lở núi, đồi, phá hoại cảnh quan thiên nhiên.
Dư luận đang đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh lập lại trật tự khai thác, sử dụng khoáng sản, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên có hiệu quả. Mặt khác, đối với địa phương cần phải khẩn trương khảo sát, tìm kiếm, đánh giá, quy hoạch vùng tài nguyên để khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản một cách hợp lý. Đối với những vùng sau khi khai thác xong, cần phải hoàn trả mặt bằng, phục hồi dần cảnh quan sinh thái và môi trường.