ThienNhien.Net – Từ ngày 9-15/12/2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ dẫn đầu Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 14 (COP 14) tại thành phố Poznan, Ba Lan. Bên cạnh Hội nghị COP 14, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao Ba Lan, làm việc với một số trường Đại học, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Ba Lan.
Tham gia đoàn có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học và lãnh đạo một số Bộ, ngành.
COP 14 hướng tới xây dựng thỏa thuận mới trong công tác chống biến đổi khí hậu
Hội nghị COP 14 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham dự của 10.671 đại biểu, đại diện cho 192
Bên tham gia Công ước khí hậu, 183 Bên tham gia Nghị định thư Kyoto và đại diện cho nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Hơn 1.000 phóng viên quốc tế cũng đã có mặt ở thành phố Poznan để tham gia đưa tin về Hội nghị này. Đây là diễn đàn bảo vệ môi trường của các nước tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), các tổ chức môi trường, viện nghiên cứu, tập đoàn kinh tế và tổ chức phi chính phủ.
Hội nghị COP 14 có tầm quan trọng đặc biệt, đánh dấu nửa chặng đường đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu theo lộ trình Bali, là cầu nối giữa COP13 ở Bali (tháng 12/2007) và COP15 tại Copenhagen (tháng 12/2009) nhằm tiến tới quan điểm chung cũng như những thỏa thuận mới mang tính toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính định lượng và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu sau năm 2012 khi thời kỳ cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto kết thúc. Hội nghị trù bị COP 14 đã khai mạc ngày 01/12/2008 tại Trung tâm hội chợ quốc tế Poznan. Ông Maciej Nowicki, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ba Lan được bầu làm Chủ tịch COP14. |
Hội nghị sẽ thảo luận những tiến bộ đạt được trong công tác chống biến đổi khí hậu trong năm 2008 và lập kế hoạch hành động cho năm 2009, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc đạt được một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto tại Hội nghị COP 15, sẽ diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 12/2009.
Những nội dung chính sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao COP 14 là: xây dựng cơ chế hoạt động đầy đủ của Quỹ thích ứng, thúc đẩy cơ chế giảm bớt khí phát thải từ việc rừng bị phá hủy và suy thoái (REDD), đẩy mạnh hoạt động của Cơ chế phát triển sạch (CDM) và đưa ra dự thảo đầu tiên cho thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu, thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.
Đặc biệt, lần đầu tiên tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, các Bộ trưởng Môi trường sẽ nhóm họp để thảo luận kế hoạch hợp tác dài hạn ứng phó với biến đổi khí hậu, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ chế tài chính và hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với tình trạng khí hậu toàn cầu nóng lên, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân chia và theo năng lực”.
Bên cạnh Hội nghị cấp cao COP 14 còn diễn ra Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto lần thứ 4 (CMP 4), Hội nghị các Bộ trưởng môi trường, hội thảo chuyên đề của các nhóm công tác và khoảng 400 hoạt động bên lề như triển lãm, điền dã, chiếu các phim đạt giải thưởng về môi trường của thế giới.