ThienNhien.Net – Ngày 02/12/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”. Văn bản pháp luật này được các ban ngành có liên quan như Bộ Tài Nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như đông đảo các tổ chức xã hội dân sự chờ đón trong suốt thời gian qua.
Chương trình được thực hiện trên quan điểm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội. Các hoạt động ứng phó được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, ứng phó với những tác động trước mắt và cả những tác động tiềm tàng về lâu dài. Vận dụng nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” đươc xác định trong Công ước khung về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả chương trình giảm nhẹ biến đổi khí hậu với sự hỗ trợ đầy đủ về vốn và công nghệ của các nước phát triển và các nguồn quốc tế.
Chương trình được thực hiện nhằm đánh giá mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, xây dựng được kế hoạch hành động ứng phó hiệu quả, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp và hòa vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Chín nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định, đó là: 1. Đánh giá mức độ và tác động của BĐKH ở Việt Nam; 2. Xác định giải pháp ứng phó với BĐKH; 3. Xây dựng chương trình khoa học công nghệ về BĐKH; 4. Tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về BĐKH; 5. Nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực; 6. Tăng cường hợp tác quốc tế; 7. Tích hợp vấn đề BĐKH vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, phát triển ngành và địa phương; 8. Xây dựng kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương ứng phó với BĐKH, 9. Xây dựng và triển khai các dự án của Chương trình.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là phải đánh giá diễn biến khí hậu, xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực, các ngành và các địa phương.
Chương trình được xây dựng cho giai đoạn từ 2009 đến 2015, với kinh phí ước tính khoảng 1.965 tỷ đồng, không bao gồm việc triển khai các kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, 50% vốn huy động từ nước ngoài, 50% vốn trong nước (ngân sách Trung ương khoảng 30%, ngân sách địa phương khoảng 10%, còn lại 10% là từ các nguồn vốn khác). Nhóm nhiệm vụ “Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH” chiếm tỉ lệ lớn nhất (xấp xỉ 47%) trong kế hoạch dự kiến về phân bổ kinh phí.
Chính phủ thống nhất về chủ trương và chỉ đạo việc thực hiện các hành động ứng phó. Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chủ nhiệm, và Văn phòng Chương trình sẽ được thành lập nhằm chỉ đạo, tiến hành thực hiện Chương trình. Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ là “đầu tàu”, phối hợp cùng các Bộ và ban ngành khác tiến hành thực hiện và giám sát.