ThienNhien.Net – Các nhà khoa học thuộc Đại học Tufts (Mỹ) vừa phát hiện dấu vết một loài côn trùng cổ đại trên tảng đá gần khu Bắc Attleboro, bang Massachusetts.
Loài côn trùng này có hình dạng giống con chuồn chuồn, dài khoảng 7,6 cm và sống cách đây khoảng 312 triệu năm. Dấu tích cho thấy loài này có 6 chân nằm dọc hai bên ngực và bụng.
Các nhà khoa học đang tìm kiếm mối liên hệ giữa loài này với loài côn trùng biết bay bởi chúng có cấu trúc giống nhau. Trước đây, các dấu tích hóa thạch của các loài côn trùng được tìm thấy chỉ là các bộ phận riêng lẻ của cơ thể chúng, do đã bị các loài khác ăn thịt. Phát hiện này thật sự gây ấn tượng đối với các nhà khoa học.
Trước đó, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch côn trùng biết bay cổ nhất với 400 triệu năm tuổi ở vùng sa thạch cổ tại Rhynie, Scotland. Tuy nhiên, mẫu vật này chưa được nghiên cứu kỹ sau khi được đưa về Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên. Vì thế, các nhà khoa học chưa đánh giá được hết giá trị khảo cổ của hóa thạch quý giá này.
Đây là hóa thạch của một loài ong tí hon có tên khoa học Rhyniognatha hirsti với kích thước chỉ bằng hạt gạo. Nó có một cặp răng hàm trên và một số đặc điểm khác, chứng tỏ rằng nó là thành viên của cộng đồng côn trùng có cánh. Tuy nhiên, vì loài ong này quá nhỏ nên các nhà khoa học rất khó quan sát thấy hóa thạch cánh.