ThienNhien.Net – Đề tài ứng dụng chế phẩm KIVICA điều chỉnh thời vụ chín của cam sành Hà Giang thực hiện ở thôn Yên Hà, xã Yên Hà, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã cho hiệu quả kinh tế rõ ràng. Vì vậy, một chương trình thí điểm đã được tiến hành tại thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang.
Người tiên phong ở thôn Vĩnh Sơn
Để đề tài thành công cần có một mô hình điểm. Đây quả là một khó khăn đối với các cán bộ thuộc Trung tâm Thông tin Chuyển giao công nghệ mới. Được sự giới thiệu của chính quyền xã Vĩnh Hảo, trung tâm đã tìm và được anh Trần Thanh Lưu chấp nhận cho thử nghiệm tại vườn cam của gia đình”.
“Trần Thanh Lưu là người nông dân rất táo bạo. Anh ấy thích khám phá cái mới và dám thử nghiệm cái mới. Đề tài khoa học chuyển giao sử dụng chế phẩm KIVICA làm chín rải vụ cam sành Hà Giang thành công một phần nhờ sự đóng góp rất tích cực của anh ấy.” – Đó là lời nhận xét của Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Khoa công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội trước đông đảo bà con nông dân tại Hội thảo báo cáo kết quả thực hiện đề tài.
Không ít người trồng cam đặt cho anh Lưu cái tên “Lưu khùng” bởi anh ta dám đem thử nghiệm toàn bộ 1 ha diện tích cam sành của gia đình, một sự phiêu lưu đối với những người nông dân nơi miền rừng này. Họ sợ “nhỡ đâu cả gia tài đổ vào những cây cam sành chĩu quả kia lại thất bát thì …!”. Mặc những lời bàn tán và những ý kiến ái ngại, ngày ngày anh Lưu vẫn cùng các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thông tin và Chuyển giao công nghệ mới (Sở Khoa học và Công nghệ), theo dõi quá trình phun, ứng dụng chế phẩm KIVICA làm chín rải vụ cam tại vườn nhà.
Anh Trần Thanh Lưu đã phát biểu tại hội thảo khoa học: “Người nông dân khi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một sự táo bạo. Thế nhưng, tôi tin vào các nhà khoa học, tin vào sự thành công của đề tài, bởi nhà khoa học không bao giờ làm những thứ không có lợi cho nông dân”. Nét rạng ngời trên gương mặt của anh Trần Thanh Lưu khiến cho những người tham dự hội thảo vui lây với sự thành công của người nông dân dám nghĩ dám làm của thôn Vĩnh Sơn này.
Đến hiệu quả của một dự án chuyển giao công nghệ
Đồng chí Bùi Thị Nhung, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết thực tế việc sử dụng chế phẩm KIVICA là một trong những biện pháp nâng cao giá trị thương phẩm của cam sành Hà Giang. Nó thay thế những hoá chất bảo quản không rõ nguồn gốc, đang trôi nổi trên thị trường mà người dân đang sử dụng để bảo quản cam sành hiện nay. Hiệu quả mà đề tài mang lại với những mục tiêu cụ thể như lựa chọn được công nghệ làm chín rải vụ cho cam sành, làm tăng giá trị hàng hoá, giá trị thương hiệu, nâng cao chất lượng quả cam sành Hà Giang đã góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng cam.
Vườn cam có sử dụng chế phẩm KIVICA ở Hà Giang. |
Hiện nay, Bắc Quang có tới 4.189 ha cam, trong đó có 2.191 ha cam sành đang cho thu hoạch, với sản lượng bình quân đạt 100 tạ/ha. Việc thu hoạch cam vào thời vụ chính thường ồ ạt nên không kịp tiêu thụ, giá thành lại rẻ nên gây ra tổn thất kinh tế rất lớn với người trồng cam. Việc ứng dụng chế phẩm KIVICA chính là một trong những giải pháp hữu hiệu, trong việc điều chỉnh cam chín rải vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng cam, đảm bảo tính phát triển bền vững của cây cam sành.
Anh Nguyễn Quang Tuyên, thôn Kim Thượng, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang, một trong những người tham dự hội thảo không giấu nổi niềm vui cho biết: “Qua hội thảo khoa học lần này, nhất định mình sẽ ứng dụng tiến bộ của chế phẩm KIVICA vào rải vụ cam của gia đình. Những người trồng cam như mình mong có thật nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng giá trị cam sành Hà Giang, góp phần phát triển kinh tế gia đình và làm giàu từ nghề trồng cam sành.”
Hàng năm, cam sành Hà Giang vào chính vụ thường thu hoạch tập trung với sản lượng rất lớn song chưa có công nghệ bảo quản nên thường bị tư thương ép giá, gây là thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho các chủ hộ trồng cam. Chính vì vậy, việc ứng dụng thử nghiệm sử dụng chế phẩm KIVICA làm chín rải vụ cam sành, là một trong những biện pháp hữu hiệu để khắc phục thực trạng trên. Sử dụng chế phẩm KIVICA không những đảm bảo tính an toàn sinh học mà còn góp phần xây dựng thương hiệu cam sành sạch bệnh, không sử dụng hoá chất. Với gần 5.000 ha cam đang cho thu hoạch, nếu mỗi năm tỉnh Hà Giang áp dụng biện pháp xử lý trên 1/5 diện tích cam bằng chế phẩm KIVICA để làm chậm chín, chín rải vụ, sản phẩm không thu dồn dập, ứ đọng sẽ nâng giá trị cam sành từ 3.500 đ lên 6.000 đ, thì tỉnh Hà Giang sẽ thu thêm được trên 30 tỷ đồng từ cam chín muộn.
Thử nghiệm sử dụng chế phẩm KIVICA trên cam sành Hà Giang đã cho hiệu quả kinh tế rõ ràng. Tuy nhiên, cũng cần phải khuyến cáo người trồng cam không nên quá lạm dụng chế phẩm, bởi đây chỉ là một giải pháp nhằm tăng giá trị kinh tế cho cam sành Hà Giang. Các nhà quản lý, các cán bộ kỹ thuật chuyển giao công nghệ cần hoạch định, hướng dẫn bà con sử việc sử dụng chế phẩm theo đúng quy trình kỹ thuật, theo quy mô của từng vùng. Tránh sử dụng chế phẩm làm chín rải vụ tràn lan, như vậy hiệu quả kinh tế sẽ tác động ngược trở lại.