ThienNhien.Net – Sau 5 năm quan trắc và phân tích nước sông Hương, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Thăng cho biết nồng độ pH của nước sông Hương đang giảm dần qua từng năm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, làm giảm đáng kể chất lượng nước cũng như ảnh hưởng đến các hệ thủy sinh trong khu vực.
Tất cả các đợt quan trắc trên sông Hương đều cho giá trị pH nằm trong khoảng 6,0-8,5, trong đó vị trí nhánh sông Đông Ba có vị trí pH thấp nhất.
Vào mùa khô, dưới tác động của nhiệt độ và lượng bức xạ mặt trời cao, quá trình chuyển đổi chất và các phản ứng sinh-hóa học xảy ra nhanh hơn càng làm biến đổi nhiều đến tính chất của nước, trong đó có nồng độ pH. Vào mùa mưa, nồng độ pH của sông Hương còn thấp hơn nhưng mức chênh lệch giữa hai mùa không lớn.
Trong khi đó, các chỉ tiêu đặc trưng cho thành phần dinh dưỡng (NH4, NO3), chất hữu cơ (BOD5, COD) và chỉ tiêu vi sinh (Total Coliform) trong nước sông Hương đều tăng lên do tác động của con người. Theo ông Thăng, độ đục và chất rắn lơ lửng trong nước sông Hương đều cao do nước thải từ khu dân cư, cùng với nồng độ ôxy hòa tan trong nước thấp, dẫn đến khả năng tự làm sạch nước của sông Hương rất yếu. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra điểm nóng ô nhiễm môi trường nước tại dòng sông này.
Hiện đoạn sông Hương qua thành phố Huế đã xuất hiện hiện tượng ô nhiễm cục bộ vài nơi, mức độ ô nhiễm đang tăng lên theo thời gian, nhất là vào mùa khô. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời và hợp lý thì phạm vi ô nhiễm sẽ lan rộng trên toàn bộ dòng sông.
Bên cạnh đó, tuy hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai ở cách hành phố Huế 12km về phía đông nhưng do sông Hương và đầm phá có liên thông nên ảnh hưởng của việc suy giảm chất lượng nước sông Hương lên hệ thống đầm phá này cũng là điều đáng lo ngại.