ThienNhien.Net – Cá ngừ vây xanh sống ở vùng biển khơi. Chúng là nguồn tài nguyên chung quý giá nhưng việc quản lý hoạt động đánh bắt hàng thập kỷ nay đã bị buông lỏng hoặc thiếu hiệu quả. Điều này đã đẩy chúng đến trước bờ vực tuyệt chủng.
“Vấn đề đang trở nên nghiêm trọng vượt tầm kiểm soát” – Đó là kết luận của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Những bức thư Bảo tồn (Conservation Letters) của nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, đứng đầu là giáo sư Brian MacKenzie. Theo ý kiến họ, thậm chí nếu việc đánh bắt loài cá ngừ vây xanh bị nghiêm cấm ngay lập tức thì số lượng cá ngừ ở Đông Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải vẫn có thể suy giảm. Bởi kế hoạch quản lí hiện nay “giảm dần hạn ngạch đánh bắt trong 15 năm tới” sẽ khiến cho số lượng cá ngừ vây xanh của khu vực giảm đến mức nguy hiểm và trở thành một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.
Tổ chức chịu trách nhiệm cải thiện tình trạng này là Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT), có trụ sở tại Madrid. ICCAT được thành lập năm 1969 và là một trong những tổ chức quản lí đánh bắt lâu đời nhất của khu vực. Khi tổ chức này ra đời, loài cá ngừ vây xanh còn vô cùng trù phú, có thể thấy dọc biển Bắc và biển Baltic cũng như ở Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của họ được cho là “miễn bàn”, bởi lâu nay người ta dùng cách chơi chữ để gán cho họ cái danh: “Thông đồng quốc tế để đánh bắt toàn bộ cá ngừ” (cũng viết tắt tiếng Anh là ICCAT). Tình hình tồi tệ đến mức những báo cáo gần đây được thực hiện bởi một nhóm các chuyên gia tự do do chính ICCAT thuê đã kết luận rằng tình trạng quản lí đánh bắt cá ngừ vây xanh hiện nay rất đáng hổ thẹn.
Joseph Powers, một nhà khoa học về thủy sản thuộc Đại học Louisiana (Hoa Kỳ), người đã từng làm việc lâu dài trong ICCAT, cho biết phần lớn các nhà khoa học thuộc tổ chức đều đồng ý với kết luận của giáo sư MacKenzie. Bằng chứng rất rõ ràng: Hạn ngạch đánh bắt cá ngừ vây xanh do ICCAT đưa ra là 30.000 tấn/năm, song các nhà khoa học đề xuất mức hạn ngạch 15 000 tấn. Kế hoạch quản lí hạn ngạch kêu gọi giảm số lượng hạn ngạch xuống còn 25 500 tấn vào năm 2010. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có từ 50.000 – 60. 000 tấn cá ngừ được đánh bắt mỗi năm vì khâu quản lý thiếu hiệu quả, chưa kể đến một số lượng lớn cá ngừ bị đánh bắt trái phép.
Lí do là cũng như các tổ chức quốc tế khác, trụ sở ICCAT ở Madrid chỉ tổng hợp thống kê và đưa ra giải pháp khoa học nhưng lại không chịu trách nhiệm quản lí. Công việc thực sự chỉ diễn ra trong hội nghị 46 thành viên của ICCAT, nơi khoa học thủy sản đương đầu với những toan tính chính trị. Nguy cơ tuyệt chủng của loài cá ngừ vây xanh chính là chương trình nghị sự trong cuộc họp diễn ra từ 17-24/11/2008 ở Marrakech (Ma-rốc).
Các nhà môi trường từng đặt hi vọng rằng người ta sẽ thông qua một giải pháp khả dĩ tại hội nghị đa dạng sinh học toàn cầu hồi tháng 9 vừa qua tại Tây Ban Nha. Hầu hết các nước, bao gồm cả Tây Ban Nha – lãnh thổ quan trọng của loài cá ngừ vây xanh, và Nhật bản – nước tiêu thụ cá ngừ lớn, đều ủng hộ việc giảm đánh bắt cá ngừ và tăng cường các biện pháp quản lí và kiểm soát. Tuy nhiên, những vấn đề được bàn luận khác xa so với những gì diễn ra trong thực tế.
Andy Rosenberg, chuyên gia nghiên cứu thủy sản đánh bắt ở Đại học New Hamsphire (Hoa Kỳ), một trong những học giả ủng hộ ý kiến của giáo sư Mackenzie, cho biết các quốc gia thành viên của ICCAT như Ý, Tây Ban Nha và Pháp vẫn tiếp tục cho phép đánh bắt cá ngừ mặc dù các quốc gia này đang ủng hộ các giải pháp bảo tồn quốc tế.
Còn theo giáo sư Powers, nếu các thành viên ICCAT không thể thực thi luật định và chấp nhận một mức hạn ngạch hạn chế thì một lệnh ngừng đánh bắt hoàn toàn có thể là giải pháp tốt nhất.