Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS

ThienNhien.Net – Sáng 30/11, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12). Đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã tham dự và hưởng ứng.

Dự và phát biểu tại mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đánh giá, trong hơn 20 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã thu được nhiều kết quả tốt, tới nay dịch HIV/AIDS đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, phải hết sức chú ý đến một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa… nơi dịch HIV/AIDS có thể tiếp tục gia tăng cục bộ. Phải luôn coi phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với nước ta.

Tăng cường lãnh đạo, trao quyền và thực hiện phòng, chống HIV/AIDS

Theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS ở từng địa phương, đơn vị trên tinh thần “Tăng cường lãnh đạo, trao quyền và thực hiện phòng, chống HIV/AIDS”.

Từng địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào điều kiện thực tế triển khai các hoạt động phù hợp. Tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, các biện pháp can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị phân biệt đối xử… đồng thời tiếp tục tăng cường huy động từng cá nhân, từng gia đình, cộng đồng và toàn xã hội chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động dự phòng và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS.

Tính đến ngày 31/10/2008, ở nước ta có 135.171 người nhiễm HIV (trong đó có 29.134 bệnh nhân AIDS) và 41.418 người tử vong do AIDS. Hiện nay dịch HIV đã xuất hiện ở tất cả tỉnh, thành phố, 97,52% quận, huyện và 69,93% xã phường. Hình thái lây nhiễm HIV vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm người chích ma túy.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng mong muốn các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các cá nhân người nước ngoài tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam, đặc biệt trong các hoạt động can thiệp, giảm tác hại cộng đồng và hỗ trợ ngày một hiệu quả hơn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Nhân Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon đã gửi Thông điệp khẳng định những kết quả mà các nước trên thế giới đã đạt được trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời cũng nhấn mạnh “AIDS sẽ không dễ dàng rời bỏ thế giới của chúng ta trong thời gian tới. Con số người nhiễm HIV vẫn nhanh hơn khả năng cung ứng điều trị của chúng ta. AIDS vẫn là 1 trong 10 căn bệnh gây tử vong lớn nhất trên toàn cầu và AIDS vẫn là căn bệnh số 1 cướp đi nhiều nhất sinh mạng của người dân ở khu vực châu Phi”.

Ông Ban Ki-Moon kêu gọi, nhân Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm nay, chúng ta hãy cùng cam kết để trở thành những người đem hy vọng tới, đưa tới sức mạnh để hành động nhằm tạo ra một thế giới không có AIDS.

Đánh giá cao những nỗi lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Quốc gia UNAIDS tại Việt Nam Eamon Murphy bày tỏ tin tưởng, công cuộc phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam được xây đắp trên nền tảng của tình yêu thương con người, bằng việc huy động sức mạnh của toàn xã hội, có lãnh đạo, điều phối của tất cả các cấp chính quyền, Việt Nam sẽ hoàn thành được các một trong các mục tiêu Thiên Niên Kỷ, đó là ngăn chặn và bắt đầu đảo ngược chiều hướng của đại dịch HIV vào năm 2015.

Cả nước “ra quân” hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống HIV/ AIDS

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh và thành phố, sáng 30/11/2008 cả nước có 28 cuộc mít tinh diễu hành cấp tỉnh, 85 cuộc mít tinh và diễu hành cấp huyện, 3.098 cuộc mít tinh diễu hành cấp xã với khoảng trên 1,5 triệu người tham dự.

“Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” (được phát động từ ngày 10/11 đến 10/12) đang được các địa phương triển khai tích cực bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: mít tinh, diễu hành, tổ chức chương trình kêu gọi ủng hộ Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, thi tuyên truyền viên giỏi…

Các sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của lãnh đạo các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người bị nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người bị nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, giảm sự phân biệt, kỳ thị đối xử với những người bị nhiễm HIV, đồng thời tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.