ThienNhien.Net – Không chỉ người dân Hà Thành, ngay cả những người dân tứ xứ và khách vãng lai đều rất háo hức mỗi lần “cụ rùa” Hồ Gươm nổi lên. Từ lâu, truyền thuyết Hồ Gươm đã ăn sâu vào tâm tưởng mỗi người, hình tượng con rùa cũng đã xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, miếu mạo, đình chùa … Không ai phủ nhận vai trò tâm linh và tín ngưỡng của “cụ rùa”, hơn thế, “cụ rùa” còn có một vai trò hết sức quan trọng trong khoa học và bảo tồn. Nhiều người chỉ biết đến “cụ rùa” ở Hồ Gươm, nhưng ít người biết rằng “cụ” còn có một người bạn khác ở Đồng Mô (thuộc thành phố Sơn Tây, tỉnh Hà Tây cũ).
Hành trình tìm họ hàng cho “cụ rùa” Hồ Gươm
Giải Sin-hoe (hay Rùa Hồ Gươm theo cách gọi của người Việt) có tên khoa học là Rafetus swinhoei, chúng có thể nặng 136kg, dài 0,9144m và “thọ” trên 100 tuổi. Loài rùa này thường sống ở các sông lớn, hồ lớn, chúng ăn đêm, với “thực đơn” yêu thích là cá, ốc, cua và khi trở trời, đặc biệt khi có nắng, sẽ nổi hết phần mai lên phơi nắng. Loại rùa này hiện chỉ còn tìm thấy ở Việt Nam và Trung Quốc, chúng được xếp là một trong số 25 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.
Bộ mai rùa Rafetus swinhoei được chụp tại Yên Bái. (Ảnh: Tim McCormack – Cán bộ nghiên cứu Chương trình Rùa Châu Á) |
|
Từ năm 2001, các chuyến khảo sát tìm kiếm những cá thể rùa quý hiếm ở Việt Nam đã được tiến hành bởi Chương trình Rùa Châu Á, tập trung nhiều nhất trong giai đoạn 2003 – 2004. Do tập tính sống của loài rùa này, nhóm nghiên cứu đã chọn lọc và tiến hành khảo sát các khu vực gần lưu vực sông Hồng từ tỉnh Lào Cai trở xuống. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực nhóm chỉ thu thập được những tiêu bản còn sót lại, một hộp sọ rùa tại tỉnh Phú Thọ và tiêu bản nguyên một cá thể tại tỉnh Yên Bái.
Cuối năm 2006, phong thanh có tin đồn người dân ở Đồng Mô khi đi đánh bắt cá thường xuyên gặp rùa ngoi cổ lên mặt nước thở phì phò. Lập tức, nhóm nghiên cứu đã “dựng lêu, căng trại đóng đô” ở đây để “rình” rùa. Theo các nhà nghiên cứu, hồ Đồng Mô trước đây là một nhánh của sông Hồng, vào thời điểm ngăn bờ tách sông, vô tình một (hoặc một vài cá thể) rùa con bị sót lại trong hồ, theo thời gian, chúng tập thích nghi với điều kiện của hồ và trưởng thành.
Vào cuối tháng 06/2007, lần đầu tiên hình ảnh rùa nổi lên mặt nước đã được nhóm nghiên cứu ghi lại. Ngay sau đó, rất nhiều nghiên cứu và các chương trình giáo dục truyền thông bảo vệ loài rùa quý hiếm này đã được tiến hành tại đây.
Theo các chuyên gia của Chương trình bảo tồn Rùa châu Á, thế giới chỉ còn 4 cá thể rùa Rafetus swinhoei, ở Trung Quốc 2 cá thể gồm 1 đực, 1 cái và tại Việt Nam gồm “cụ rùa” hiện đang sinh sống ở Hồ Gươm, Hà Nội và con rùa ở Đồng Mô.
Song, nhận định này cũng có một vài ý kiến trong nước phản bác. Một số nhà khoa học cho rằng rùa ở Đồng Mô là một loại rùa mới khác với rùa Hồ Gươm.
Lận đận thân rùa
Khi người ta vẫn đang còn tranh cãi nhau rùa Đồng Mô thuộc loài rùa nào, thì sáng 26/11, khi đang kéo lưới trên sông Tích Giang, các ngư dân ở phường Trung Sơn (thành phố Sơn Tây) đã bắt được một con rùa lớn.
Nhận được tin báo, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cùng các tổ chức bảo tồn như Chương trình Rùa Châu Á, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã có mặt tại hiện trường nhằm “giải vây” cho rùa.
Gia đình người dân bắt được rùa đã “dựng lều, đóng cũi” cho khách thập phương đến xem rùa. (Ảnh: Tim McCormack – Cán bộ nghiên cứu Chương trình Rùa Châu Á) |
Rùa Đồng Mô mà người dân bắt được hôm 26/11. (Ảnh: Tim McCormack – Cán bộ nghiên cứu Chương trình Rùa Châu Á) |
Sau khi bị bắt, rùa Đồng Mô đã được đưa về nhà một người dân ở xã Đồng Mô. Phần do chưa nhận thức hết được tầm quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì nòi giống của loài rùa này, phần vì dao động trước những lời chào mua, đồn thổi, thái độ của người dân rất căng thẳng và không muốn trao con rùa lại cho các cơ quan hữu quan.
Con rùa nặng 68kg, mai mềm, màu xám dài 90cm, rộng 70cm có nhiều vết thương nhỏ trên thân. Theo phỏng đoán của các chuyên gia, trận lụt lịch sử vừa qua tại Hà Nội có thể là nguyên nhân khiến bờ bao hồ Đồng Mô bị vỡ nên rùa mới “thoát” ra ngoài.
Các nhà nghiên cứu cũng đã kịp lấy mẫu máu của rùa để đem đi xét nghiệm DNA (vì đây là lần đầu tiên được tiếp cận). Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, chúng ta có thể biết chính xác rùa Đồng Mô là có đúng là họ hàng ruột thịt của “cụ rùa” Hồ Gươm như nhận định của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước hiện nay hay không.
Sau một ngày nỗ lực thương thuyết với người dân, chiều tối 26/11, nhóm giải cứu rùa Đồng Mô cuối cùng đã thành công, đưa chú rùa trở về hồ Đồng Mô an toàn.