ThienNhien.Net – Châu Phi đang là thị trường đầy tiềm năng của gạo xuất khẩu Việt Nam, trong bối cảnh người tiêu dùng châu Phi đã khá quen thuộc với gạo Việt Nam và nhu cầu tiêu dùng của lục địa này đang ngày càng tăng.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội nghị gặp gỡ giữa các bên mua/bán gạo trong khuôn khổ Chương trình tăng cường trao đổi thương mại giữa các thành viên khối Liên minh kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (CEMAC), Cộng đồng kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (UEMOA) và ba nước Pháp ngữ khu vực Mekong, khai mạc ngày 25/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương khẳng định: “Châu Phi là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai, chiếm 16% lượng xuất khẩu gạo ra thế giới của Việt Nam trong năm 2007. Châu Phi là thị trường đầy tiềm năng đối với việc xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo sang thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí vận tải còn cao, khả năng thanh toán chậm.”
Trong năm 2008, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, tính đến ngày 18/11, lượng gạo xuất sang châu Phi chiếm tới 25,6% tổng lượng gạo đã xuất khẩu của cả nước (hơn 4 triệu tấn).
Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Minh Huệ cũng nhận xét rằng nhu cầu gạo của châu Phi đang tăng cao và gạo Việt Nam là nguồn cung cấp quan trọng có thể đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên giao thương mặt hàng này giữa Việt Nam và khu vực Trung, Tây Phi còn những khó khăn nhất định, do vẫn được thực hiện gián tiếp qua các thương nhân quốc tế mà không phải tiếp cận trực tiếp giữa nơi cung cấp và tiêu thụ.
Theo ông Tharcisee Urayeneza, Giám đốc phụ trách Ban Phát triển bền vững, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Francophonie, để giải quyết tình trạng trên, các bên liên quan ở Việt Nam và các nước châu Phi cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán ký hợp đồng thương mại trực tiếp, giảm bớt khâu trung gian.
Các đại biểu đến từ 14 nước châu Phi và ba nước Tiểu vùng Mekong (Việt Nam, Lào và Campuchia) cũng đã thảo luận việc tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp và các bộ, ngành chức năng để thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa các nước.
Hội nghị do VCCI, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Francophonie và Trung tâm Thương mại quốc tế phối hợp tổ chức từ ngày 25 đến 27/11.