ThienNhien.Net – Một chương trình máy tính mới có thể giúp các nhà khoa học phát hiện thêm hàng trăm hố thiên thạch mới trên Trái Đất cho dù từ những dấu vết nhỏ nhất. Đây là công bố của giáo sư trợ giảng Crist Herd thuộc khoa Khoa học khí quyển và Trái Đất thuộc Đại học Anberta, Canada, đăng trên tạp chí "Địa lý" ngày 25/11.
Chương trình máy tính mới phân tích các tầng cây và tán lá từ một nghiên cứu rừng trên không và đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra một hố thiên thạch nhỏ năm 2007, tại thị trấn Whitecourt, thuộc bang Anberta, Canada.
Các bức ảnh chụp các tầng cây từ trên không, được một công ty lâm nghiệp sử dụng công nghệ 3D ghi lại, cho thấy hố thiên thạch này được coi là hố “trẻ” nhất ở Canada với 1.100 năm tuổi và có đường kính rộng 36 mét.
Theo nhà khoa học Herd, công nghệ này có thể giúp các nhà khoa học phát hiện thêm hàng trăm hố thiên thạch đang bị các rừng cây che lấp khắp thế giới và vô tình được ghi lại trong các dự án nghiên cứu rừng trên không.
Thêm vào đó, nếu ngày càng có thêm nhiều các hố thiên thạch được phát hiện và phân tích thì các kết luận hiện nay về số lượng thiên thạch đã va vào Trái Đất trong quá khứ và tần số va chạm trong tương lai sẽ thay đổi.
Hiện các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được 175 hố thiên thạch trên Trái Đất trong đó có 5 hố có đường kính nhỏ hơn 100 mét và khoảng 10 hố ít hơn 10.000 năm tuổi. Theo các kết quả quan sát từ Mặt Trăng và Sao Hỏa, cứ 10 năm 1 lần sẽ có 1 mảnh thiên thạch nhỏ va vào Trái Đất.