Thien.Nhien.Net – Những nhà hoạt động nhân quyền thế giới đang có kế hoạch phát động một chiến dịch lớn quy mô quốc tế chống lại Công ty khai thác và kinh doanh kim cương De Beers (Nam Phi) sau khi hay tin mỏ khai thác kim cương lớn nhất thế giới hoạt động trở lại tại Khu bảo tồn Kalahari ở Botswana (Nam Phi), nơi người dân bản địa đã bị cưỡng chế di dời. Bên cạnh đó, việc khai thác vàng bất hợp pháp, phá hủy môi trường sống của các cộng đồng thổ dân trên toàn thế giới cũng đang bị lên án.
Phản đối kim cương
Trong lời phát biểu lên án kế hoạch tái khởi động hoạt động khai thác của De Beers ở Khu bảo tồn Kalahari , Stephen Corry, giám đốc Tổ chức Cứu trợ quốc tế (SI) – một tổ chức phi lợi nhuận giúp các cộng đồng người bản địa trên khắp thế giới đòi hỏi quyền lợi chính đáng quả quyết: “Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể!”
SI và các tổ chức nhân quyền của người bản địa cho biết việc thăm dò kim cương ở Khu bảo tồn Kalahari tác động nghiêm trọng tới đời sống và môi trường sống của tộc người San, những người vẫn được coi là “người rừng”.
Ông Corry cũng cho biết: “Chúng tôi bất ngờ khi biết De Beers sẽ quay trở lại Khu bảo tồn trong khi vấn đề về cuộc sống của thổ dân vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.”
Những năm gần đây, De Beers đã vài lần cố tình tiến hành khai thác kim cương ở khu vực này nhưng đã buộc phải tạm dừng do vấp phải các chiến dịch tẩy chay mạnh mẽ sản phẩm của họ rộng khắp .
Khu bảo tồn Kalahary được chính phủ Botswana thành lập năm 1961 nhằm bảo vệ người thổ dân và thiên nhiên hoang dã nơi đây. Song, khi người ta phát hiện nơi này là một trong những mỏ kim cương lớn nhất thế giới vào những năm 1980, những người thổ dân bắt đầu bị cưỡng chế di dời từ năm 1997. Trong 2 năm 2002 và 2005 Botswana đã tiến hành hai đợt cưỡng chế di dời lớn. Theo SI, lần đầu tiên trong lịch sử, bộ tộc này rơi vào tình trạng tuyệt vọng, nghiện rượu và bệnh tật lan tràn, gồm cả AIDS.
Hai năm trước, người ta đã chứng kiến sự thắng lợi của người San trước quyết định cho phép khai thác của chính quyền khi chứng minh được rằng họ là chủ nhân hợp pháp của Kalahary – Khu bảo tồn vốn chịu sự tranh chấp từ hàng thế kỷ nay.
Theo các báo cáo của SI, mặc dù Toà án tối cao đã công nhận quyền được sống, được săn bắn và hái lượm trên vùng đất cha ông của người San nhưng hàng trăm thổ dân nơi đây vẫn đang sống khổ sở trong các trại tái định cư do không được sử dụng đất đai và nguồn nước. SI hy vọng chiến dịch chống lại De Beers lần này sẽ thành công như chiến dịch trước đây bằng cách thu hút sự tham gia của rất nhiều nhân vật nổi tiếng bao gồm các siêu mẫu, các phát ngôn viên của Công ty Kim cương Iman và Lily Cole.
Được biết, chiến dịch tẩy chay kim cương lần trước chấm dứt khi De Beers bán mỏ kim cương cho công ty Gem Diamonds.
Theo báo cáo tài chính năm 2007 của De Beer, bên cạnh số tiền công ty này trả cho các đối tác, doanh nghiệp chung cổ phần và các nhà cung cấp, còn khoảng 3,2 tỉ đô dùng để chi trả cho hoạt động khai thác kim cương ở châu Phi. Để bảo vệ công việc kinh doanh ở châu Phi và các khu vực khác, De Beers đã tuyên bố rằng họ dành hơn 184 nghìn hécta làm “Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên để tiến hành nghiên cứu đa dạng sinh học.”
Thay thế vàng “bẩn”
Các tổ chức nhân quyền cũng đang lo ngại về ảnh hưởng xấu của hoạt động khai thác vàng tới điều kiện sống của các cộng đồng dân cư bản địa trên khắp thế giới.
Giữa tháng 10/2008, đại diện của người Yanomami vùng Amazon đã gửi thư lên chính phủ Brazil kêu cứu về tình trạng cộng đồng này đang phải hứng chịu những căn bệnh chết người do ô nhiễm từ việc khai khoáng.
Cũng như thổ dân ở Botswana, quyền sống trên mảnh đất tổ tiên của người dân Yanomami đã được chính thức công nhận nhưng họ vẫn phải tiếp tục đối mặt với các cuộc tấn công bạo lực của các chủ trại nuôi gia súc và những kẻ khai thác gỗ bất hợp pháp.
Hồi đầu năm vừa qua, một số tổ chức nhân quyền tại Mỹ đã phát động chiến dịch phản đối khai thác vàng bất hợp pháp ở các khu vực thuộc về cộng đồng thổ dân, bao gồm cả trong lãnh thổ Mỹ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà hoạt động, các hãng đại lí bán lẻ khổng lồ trong ngành kinh doanh trang sức gồm có Ben Bridge, Tiffany & Co, Helzberg Diamonds, Fortunoff và Leber Jeweler cho biết họ phản đối hoạt động khai thác vàng quy mô lớn ở khu vực Vịnh Bristol của Alaska bởi nó tiềm ẩn nguy cơ phá huỷ môi trường, cuộc sống hoang dã và văn hóa của người thiểu số nơi đây.
Những đại lí này cam kết sẽ chỉ bán những sản phẩm được cung cấp bởi những nhà khai thác tôn trọng cộng đồng người bản địa ở Vịnh Bristol cùng môi trường và nguồn tài nguyên của họ.
Các nhà vận động chiến dịch cho biết khoảng 100 nghìn người tiêu dùng ở hơn 100 quốc gia đã ký vào bản kêu gọi các công ty khai thác cung cấp các mặt hàng thay thế thứ vàng “bẩn”.
Theo một báo cáo độc lập do Tổ chức Oxfam và Eearthworks công bố đầu năm nay cho biết, thực tế hoạt động khai thác vàng ở Ghana, Botswana, Indonesia, Nevada và các khu vực khác trên thế giới vẫn tiếp tục làm ô nhiễm không khí, nguồn nước, phá huỷ đất rừng và đất canh tác.