ThienNhien.Net – Tại hội thảo "Ngành năng lượng Việt Nam trước những tác động sau hai năm gia nhập WTO và yêu cầu phát triển bền vững", Giáo sư tiến sĩ Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam khẳng định việc quan trọng nhất hiện nay đối với ngành năng lượng là cần tiếp tục hoàn thiện vấn đề dự báo và nghiên cứu tổng thể về năng lượng, đặc biệt là công tác quy hoạch và có lộ trình phát triển bền vững.
Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp với Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Hiệp hội đầu tư Năng lượng Việt Nam và Công ty Thanh niên Việt Nam tổ chức sáng 21/11 tại Hà Nội.
Nhận định về thực trạng ngành năng lượng Việt Nam hiện nay, GS.TS Bùi Huy Phùng cho rằng hệ thống năng lượng Việt Nam đang phát triển chưa đồng bộ, thiếu vững chắc; công tác dự báo, quy hoạch không đạt yêu cầu, thiếu tính toán nội dung và khó thực hiện hoặc thực hiện không đạt tiến độ.
Môi trường cũng xuất hiện nhiều vấn đề. Riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong khi tiềm năng phát triển ở Việt Nam khá dồi dào thì lại phát triển rất chậm. Trong đó, nguồn năng lượng gió thiếu những điều tra cơ bản, năng lượng mặt trời thiếu vắng những tổng kết, quy định sử dụng ở các vùng, năng lượng sinh khối thiếu phần khảo sát, quy hoạch…
Đánh giá tình hình xuất nhập khẩu năng lượng trong thời gian qua, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định: Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam từ một nước nhập khẩu năng lượng đã trở thành nước xuất khẩu năng lượng do sản xuất dầu thô và than tăng nhanh. Mức tiêu thụ năng lượng bình quân của Việt Nam hiện mới bằng khoảng 20% mức bình quân chung của thế giới.
Đề cập về thách thức phát triển điện trong thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết Việt Nam tiếp tục công cuộc cải cách mạnh mẽ trong ngành điện với mục tiêu thiết lập một thể chế mới, tái cơ cấu lại ngành điện và phát triển một thị trường điện cạnh tranh trong một bối cảnh còn nhiều tồn tại như hiệu suất của hệ thống điện, huy động vốn cho đầu tư phát triển nguồn điện, vấn đề giá điện…
Các bài phát biểu tại hội thảo đều tập trung phân tích, đánh giá những tác động của thời kỳ hội nhập đối với sự phát triển của ngành năng lượng, từ đó có cách nhìn toàn diện về những kinh nghiệm trong lí luận, thực tiễn và đưa ra các giải pháp phù hợp hướng tới sự phát triển bền vững của ngành.
Một trong những giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là áp dụng các công nghệ hiện đại từ nước ngoài, đưa năng lượng mới, năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quan trọng trong cân bằng năng lượng tổng thể song song với các hoạt động bảo tồn và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, ngành năng lượng đang đứng trước những thách thức lớn, để đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn ngành phải đảm cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế; mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác than, dầu khí và các dạng năng lượng khác ở nước ngoài, bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước, phấn đấu đến năm 2015-2020 thực hiện liên kết lưới điện, khí tự nhiên trong khu vực.
Cùng với phát triển nguồn, lưới điện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội, chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành 2020 và tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 11% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2050.