ThienNhien.Net – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 09/2008, tổng số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam đạt con số 57,3 triệu. Ngày nay, điện thoại di động đã trở thành vật thiết yếu trong cuộc sống và công việc hiện đại. Việc sở hữu một chiếc điện thoại di động đã trở thành phổ biến. Thế nhưng có bao giờ bạn cầm “chú dế” của mình trên tay và đặt ra những câu hỏi về cuộc sống của nó trước và sau khi được đem ra sử dụng? Liệu bạn có bao giờ biết đến hoặc băn khoăn về những tác động của điện thoại đi động tới môi trường?
Điện thoại di động và cuộc sống
Không nên quá lạm dụng điện thoại đi động
Điều gì diễn ra trước khi “dế” đến tay người tiêu dùng
Như một vật thể sống có quá trình sinh ra, lão hóa và chết đi, điện thoại di động cũng có vòng đời của mình và mỗi giai đoạn trong vòng đời của nó đều ảnh hưởng đến môi trường theo một cách riêng. Hiểu được giai đoạn “thai nghén” và ra đời một chiếc điện thoại sẽ giúp bạn có những lựa chọn sử dụng chúng một cách thân thiện với môi trường.
Để một chiếc điện thoại ra đời cần đến rất nhiều loại tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Thông thường trong một chiếc điện thoại có khoảng 40% vật liệu là kim loại (như đồng, vàng, chì, niken, kẽm, berilli, thuỷ ngân, coban…), 40% là plastic (được tạo ra từ dầu thô), 20% còn lại là sứ, sợi thuỷ tinh (được tạo ra từ cát và vôi) và các nguyên tố vi lượng khác. Những vật liệu này sau khi được khai thác, qua quá trình lựa chọn, xử lý bằng các phương pháp lý-hoá học sẽ được đưa vào sản xuất và trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
Trước khi tới tay người tiêu dùng, điện thoại còn phải trải qua khâu đóng gói nhằm giúp sản phẩm tránh được những va chạm có thể dẫn tới hỏng hóc, đồng thời cung cấp thêm thông tin về sản phẩm cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc đóng gói một cách rườm rà hay quá cầu kỳ đều gây lãng phí, tiêu tốn những tài nguyên thiên nhiên có giá trị như gỗ (để làm giấy), dầu thô (tạo ra plastic) và các khoáng sản khác.
Thêm vào đó, việc vận chuyển hàng hoá từ nơi này sang nơi khác, dù bằng bất cứ phương tiện gì cũng đều sử dụng tới nhiên liệu hoá thạch và hệ quả tất yếu, ngoài sự tiêu tốn nhiên liệu, là làm gia tăng hiện tượng biến đổi khí hậu trên Trái Đất.
Như vậy có thể thấy quá trình tạo ra một chiếc điện thoại di động tiêu tốn rất nhiều tài nguyên thiên nhiên và năng lượng
Sử dụng “dế” thân thiện với môi trường
Hiện nay, trong bối cảnh thế giới bị tác động mạnh bởi sự nóng lên toàn cầu, nhân loại cũng thay đổi nhận thức về môi trường và có xu hướng ưa thích những sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng một sản phẩm chưa thân thiện với môi trường như điện thoại di động một cách thân thiện môi trường. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn lựa chọn và sử dụng điện thoại di động theo cách ít gây hại cho môi trường nhất.
Đầu tiên là khâu lựa chọn điện thoại. Trên thị trường có rất nhiều hãng cung cấp điện thoại di động với những kiểu dáng cũng như chất lượng khác nhau. Bạn hãy chọn cho mình một “chú dế’ với đầy đủ những tính năng ưa thích, phù hợp với công việc cũng như nhu cầu giải trí của bản thân để có thể sử dụng “dế” trong thời gian dài nhất. Việc này không chỉ giúp bạn hạn chế rút ví để thay mới điện thoại mà còn rất có lợi cho môi trường.
Sau khi lựa chọn được một “chú dế” ưng ý, bạn hãy chú ý tới khâu bảo quản “dế”. Bạn nên tạo thói quen nhét những “chú dế” của mình trong những chiếc bao điện thoại. Hiện nay để mua được những chiếc bao “dế” tại Việt Nam là điều hết sức đơn giản, trên thị trường có rất nhiều kiểu dáng cho bạn lựa chọn để thể hiện cá tính; hơn nữa việc hạn chế nhét “dế” trong túi quần có thể giúp nam giới giải toả nỗi lo bị ảnh hưởng bởi sóng điện thoại. Tránh để “dế” ở những nơi quá nóng, quá lạnh hay trong môi trường hoá chất khiến dế bị giảm tuổi thọ.
Thêm nữa, không phải tự nhiên mà các nhà sản xuất khuyến cáo bạn sử dụng loại pin có thể sạc lại. So với những loại pin dùng một lần, những loại pin này có thể làm giảm lượng rác thải độc hại ra môi trường, tránh lãng phí năng lượng và giúp bạn tiết kiệm chi phí.
Khi điện thoại bị hỏng hoặc không có nhu cầu sử dụng nữa, bạn vẫn có rất nhiều lựa chọn để việc thải sản phẩm của bạn ít gây hại tới môi trường nhất. Trong trường hợp điện thoại còn sử dụng được thì tại sao bạn không bán lại hoặc tặng nó cho người thân hoặc một tổ chức từ thiện nào đó? Còn khi “dế cưng” bị hỏng, thay vì thẳng tay ném vào thùng rác, bạn có thể bán lại cho những người thu mua phế liệu điện tử hoặc những cơ sở tái chế để họ tận dụng những bộ phận vẫn còn sử dụng được hoặc đem đi tái chế.
Việc tái sử dụng hoặc tái chế điện thoại di động sẽ hạn chế được sự lãng phí những nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo. Mặt khác rác thải điện thoại là loại rác thải điện tử nguy hiểm. Chúng chứa những chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium… có thể làm ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí, gây hại cho sức khỏe con người và môi sinh.
Hiện nay, ở các nước phát triển có rất nhiều công ty và các tổ chức xã hội chuyên cung cấp dịch vụ tái chế, hoặc nhận quyên góp điện thoại cũ để tái sử dụng vì những lợi ích kinh tế và môi trường mà nó mang lại.
Các nhà khoa học cũng đang nỗ lực trong việc phát triển những công nghệ, sáng kiến thân thiện với môi trường. Pin nhiên liệu hydro, pin hỗn hợp kẽm-không khí, pin năng lượng mặt trời… trong tương lai sẽ làm cho những chiếc điện thoại “xanh” hơn.
Trong khi chờ đợi những chiếc điện thoại “xanh”, việc sử dụng điện thoại một cách thân thiện với môi trường chính là hành động vì một hành tinh “xanh”.