ThienNhien.Net – Trong số động vật bị nhốt và bán tại khu chợ Chatuchak, Bangkok có cả động vật hoang dã (ĐVHD) có nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực trạng này, cảnh sát Thái Lan thừa nhận họ không thể ngăn chặn những kẻ buôn bán động vật hoang dã, với một khung luật pháp còn rất lỏng lẻo như ở Thái Lan hiện nay.
Theo một ước tính, việc buôn bán trái phép động vật quý hiếm trên thế giới thu lợi 6 tỷ USD mỗi năm và những đồng tiền ấy đang được “truyền tay” ở thủ đô của Thái Lan.
Trung Tá Thanayod Kengkasikij thuộc lực lượng đặc nhiệm chống buôn bán trái phép ĐVHD Thái Lan cho biết: “Vấn đề khó khăn không chỉ ở việc lùng bắt những kẻ buôn lậu mà cả khi bắt được cũng khó xử lý vì mức phạt của tòa án còn quá nhẹ.”
Sau hàng tháng trời giám sát tại Chatuchak, cảnh sát Thái Lan với sự hỗ trợ của Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã (TRAFFIC) và Tổ chức bảo tồn PeunPa của Thái Lan đã tấn công khu chợ và bắt giữ những tên buôn lậu đang bán loài rùa cạn Lưỡi cày Madagasca. Các nhà bảo tồn cho biết đây là loại rùa hiếm, chỉ khoảng còn 300 cá thể trên thế giới. Trong một phiên chợ khác, những kẻ bán lẻ đã bị bắt khi đang bán những con cu li lớn, loài động vật linh trưởng đang có nguy cơ tuyệt chủng tại các khu rừng Đông Nam Á.
Chris Shepherd, chuyên gia của TRAFFIC cho biết: “Những tên bán lẻ bắt đầu buôn bán công khai nhiều loại động vật trong và ngoài nước. Thậm chí bọn chúng còn chỉ dẫn cho những khách hàng tiềm năng cách mang bò sát trái phép qua cửa khẩu hải quan và trên máy bay”.
Điều đáng nói là trong khi mỗi đợt giám sát và tấn công của các nhà chức trách tốn hàng nghìn USD thì hình phạt dành cho những kẻ buôn bán bất hợp pháp lại rất thấp.
Để luật có tác dụng, cần phải thay đổi thái độ
Theo Steven Galster, thuộc tổ chức PeunPa: “Những kẻ buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất trên thế giới đã quyết định chọn Bangkok làm căn cứ bởi vì chúng biết nếu bị bắt thì cùng lắm chỉ bị phạt 1.000 USD”.
Hiện nay, luật quốc tế liên quan đến công tác quản lý loại tội phạm này là CITES – Công ước về buôn bán quốc tế những loài động vật thực vật có nguy cơ bị đe dọa. Thái Lan đã tham gia công ước này nhưng các điều khoản của CITES chưa được lồng ghép đầy đủ vào luật pháp của quốc gia này, tạo kẽ hở cho bọn buôn lậu. Galster cho rằng khe hở ấy sẽ không kín lại chừng nào thái độ của cả xã hội không thay đổi.
PeunPa và TRAFFIC đã mất 3 năm đào tạo để giúp cảnh sát, kiểm lâm Thái Lan hiểu những tác hại môi trường do loại tội phạm này gây ra, và hướng tập trung giờ chuyển sang các quan tòa và các luật sư bào chữa. Trước kia họ đơn giản nhìn nhận vấn đề ở góc độ phương tiện kiếm sống cho những kẻ vi phạm nhưng giờ đây họ cần phải hiểu rằng hoạt động phi pháp này sẽ dẫn tới mất đa dạng sinh học và hủy hoại môi trường.
Tại Thái Lan, cảnh sát quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về ma túy hay giết người. Chính vì thế, những thay đổi diễn ra chậm chạp và dự thảo luật dường như vẫn là viễn cảnh xa vời vì nó đã kéo dài suốt nhiều năm nay.