ThienNhien.Net – Trong số 55 dự án thuộc Chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến 2020 có hơn 1/3 số dự án chuyên về tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai.
Mục tiêu Chương trình, kế hoạch hành động do Bộ TNMT vừa đưa ra nhằm huy động mọi nguồn lực của ngành TNMT để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai từ nay đến 2020, giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên nhiên nhiên, môi trường, nâng cao chất lượng các bản tin dự báo thiên tai, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước các lưu vực sông, các vùng kinh tế trọng điểm đến 2020; quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản; quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển… đều sẽ được lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai.
Song song với việc tăng cường trang thiết bị, Bộ TNMT chú trọng tới đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng kịp với yêu cầu cấp bách và xu thế đổi mới công nghệ của thế giới. Khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, lĩnh vực biển và hải đảo là các lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Một giải pháp mà Chương trình, kế hoạch hành động này đưa ra là nghiên cứu các chính sách nhằm xã hội hóa công tác khí tượng thủy văn và sử dụng hiệu quả các thông tin này.
Ngoài ra, Bộ cũng có chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng để đưa các kiến thức phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tới mọi người dân…
Chương trình, kế hoạch hành động của Bộ TNMT chỉ rõ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần thực hiện phòng, chống lũ triệt để. Phương châm phòng, chống thiên tai của vùng duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và vùng hải đảo là “chủ động phòng, tránh, thích ứng để phát triển”, cần xây dựng các khu neo đậu tàu, thuyền, nâng cấp và phát triển các trạm thông tin ven biển phục vụ cảnh báo bão, nước dâng và sóng thần. “Sống chung với lũ” là phương châm của đồng bằng sông Cửu Long. Các biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai sẽ chú trọng vào sử dụng hợp lý tài nguyên đất, khai thác mặt lợi của lũ, đầu tư khai thác tài nguyên nước nổi, du lịch sinh thái… Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước có chung lưu vực sông Mekông, có giải pháp phòng chống lũ, duy trì dòng chảy mùa kiệt để ngăn mặn, giữ ngọt… Ở vùng miền núi và Tây Nguyên, cần lập bản đồ vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, tai biên địa chất; xây dựng hệ thống thông tin liên lạc tới từng thôn, bản… |