ThienNhien.Net – Trong hội nghị lần thứ 10 của Công ước Ramsar diễn ra tại Hàn Quốc hồi đầu tháng 11/2008, các thành viên công ước đã ký kêt thỏa thuận quốc tế khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế để bảo tồn chim nước và môi trường sống của chúng. Đây là một trong những giải pháp cơ bản để bảo tồn các loài chim nước.
Một trong những dự án có liên quan đến giải pháp bảo tồn chim nước thông qua hợp tác xuyên biên giới có tên: “Bay qua vùng đất ngập nước”. Dự án này tập trung vào tuyến di cư Âu – Phi của các loài chim nước, với các hoạt động tăng cường cung cấp thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ bảo tồn, trình diễn các mô hình về bảo tồn và sử dụng khôn ngoan các vùng đất ngập nước.
Đây là một chương trình hợp tác lớn giữa các tổ chức quốc tế về bảo tồn như: Tổ chức Đất ngập nước quốc tế, Tổ chức bảo tồn chim quốc tế và Chương trình môi trường Liên hợp quốc, với sự ủng hộ của các nhà tài trợ và sự tham gia của nhiêù đối tác địa phương trong khu vực.
Ngày nay, bảo tồn chim nước đã trở thành một thách thức mang tầm quốc tế bởi số lượng các loài này không ngừng suy giảm. Môi trường sống của chúng – các vùng đất ngập nước đang ngày càng suy thoái, bị khai thác không bền vững hoặc biến mất hoàn toàn.
Các loài rẽ mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus) và rẽ lớn ngực đốm (Calidris tenuirostris) ở tuyến đường di trú Đông Á – Australia cũng như cốc đế (Phalacrocorax coronatus), diệc xám (Egretta vinaceigula), hải yến Damara (Sterna balaenarum) và ngỗng ngực đỏ (Chloephaga rubidiceps) đang trải qua giai đoạn đen tối trên tuyến đường di trú châu Mỹ đều đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Thỏa thuận chung khuyến khích các quốc gia tham gia xác định những vùng đất ngập nước quan trọng của chim nước trong phạm vi lãnh thổ của mình và tăng cường quản lý các khu vực đó.