ThienNhien.Net – Ngành chăn nuôi không đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu nhưng lại là ngành có nhiều ý nghĩa về mặt chính trị – xã hội. Nó chiếm 40 % tổng sản phẩm trong ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 1,3 tỷ người lao động và là sinh kế của hơn 1 tỷ người dân sống ở các nước nghèo. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng được coi là một trong ba ngành có tác động lớn đến môi trường.
Tăng trưởng nhưng không bền vững
Cùng với sự tăng dân số và thu nhập, nhu cầu về các sản phẩm từ thịt và sữa ngày càng tăng. Tổng nhu cầu tiêu thụ thịt trên toàn thế giới được dự đoán là sẽ tăng gấp đôi, từ 229 triệu tấn năm 1999 lên 465 triệu tấn vào năm 2050, và sản lượng sữa cũng sẽ tăng từ 580 lên 1043 triệu tấn trong cùng thời gian này. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngành chăn nuôi đã có nhiều thay đổi.
Xu hướng công nghiệp hoá và chuyên môn hoá ngày càng tăng. Khu vực sản xuất cũng chuyển dịch dần từ vùng nông thôn đến vùng đô thị và ven đô, đến gần hơn với người tiêu dùng. Còn nguồn thức ăn cung cấp cho chăn nuôi thì được trồng ở vùng khác có điều kiện thuận lợi hơn, sau đó được nhập khẩu và vận chuyển đến các khu chăn nuôi.
Tốc độ tăng giữa các loài được nuôi cũng có sự chuyển dịch nhất định. Với những loài dạ dày đơn như lợn và gia cầm, khi chuyển sang nuôi công nghiệp thì tăng trưởng nhanh hơn, trong khi gia súc lớn thì tăng trưởng chậm hơn.
Với sự chuyển dịch này, ngành chăn nuôi đang trở thành một đối thủ không kém cạnh trong cuộc chạy đua về tiêu tốn về đất đai, nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác so với các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Bản báo cáo mới đây của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy ngành chăn nuôi đã và đang gây ra những vấn đề môi trường nghiêm trọng như thoái hoá đất, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, thiếu nước và ô nhiễm nước, mất đa dạng sinh học.
Tổng diện tích dành cho chăn nuôi chiếm 26% diện tích bề mặt không phủ băng tuyết của Trái đất. Thêm vào đó là 33% diện tích đất trồng được dành để sản xuất thức ăn cho chăn nuôi. Tổng cộng, ngành chăn nuôi chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp, tương đương 30% diện tích bề mặt Trái đất.
Mở rộng diện tích dành cho chăn nuôi là một trong những nguyên nhân chính làm mất rừng. Tình trạng này xảy ra rất phổ biến trên toàn thế giới nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Nam Mỹ. Rừng Amazon – khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đang bị tàn phá với tốc độ khủng khiếp để chuyển đổi thành đồng cỏ chăn nuôi và đất trồng thức ăn gia súc.
Mất rừng làm cho đất bị xói mòn vào mùa mưa và khô hạn vào mùa khô. Khoảng 20% diện tích đất đồng cỏ và đất rừng, trong đó khoảng 73% diện tích đất rừng nằm trong vùng khô hạn đã bị thoái hoá do các tác động của ngành chăn nuôi.
Biến đổi khí hậu với các hiện tượng như tăng nhiệt độ, tăng mực nước biển, tan băng, thay đổi các dòng hải lưu và các hiện tượng thời tiết cực đoan…đang từng ngày đe doạ sự tồn vong của loài người. Trong đó, ngành chăn nuôi phải chịu trách nhiệm về 18% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính của toàn cầu, cao hơn cả ngành giao thông vận tải.
Lượng phát thải CO2 từ chăn nuôi chiếm 9% toàn cầu, chủ yếu là do hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất – đặc biệt là phá rừng để mở rộng các khu chăn nuôi và các vùng trồng cây thức ăn gia súc.
Ngành này còn thải ra 37% lượng khí mê tan CH4 (một loại khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kinh cao gấp 23 lần CO2), 65% lượng khí NOx (có khả năng gây hiệu ứng nhà kính cao gấp 296 lần CO2) và tạo ra 2/3 tổng lượng phát thải khí a-mô-ni-ắc, nguyên nhân chính gây mưa axit phá huỷ các các hệ sinh thái.
Thế giới hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Theo dự đoán đến năm 2025, 64% dân số thế giới sẽ phải sống trong điều kiện căng thẳng về nguồn nước. Trong khi đó, sự phát triển của ngành chăn nuôi càng làm tăng nhu cầu sử dụng nước.
Hiện nay, ngành chăn nuôi đang chiếm khoảng 8% tổng lượng nước loài người sử dụng trên toàn thế giới. Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất mà nó gây ra đối với môi trường nước chính là nước thải. Nước thải của ngành chăn nuôi chứa nhiều chất ô nhiễm như chất kháng sinh, hoocmon, hoá chất, phân bón, thuốc trừ sâu.
Chúng đang huỷ hoại các vùng ven biển, các bãi san hô ngầm, gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ cho con người và các vấn đề khác. Ngoài ra, ngành chăn nuôi còn làm giảm lượng nước bổ sung cho các mạch nước ngầm do mất rừng và đất bị thoái hoá, chai cứng, giảm khả năng thẩm thấu.
Tất cả những tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi đến môi trường đất, nước, không khí và khí hậu đã dẫn đến một kết quả tất yếu đối với hệ sinh thái Trái đất, đó là sự suy giảm đa dạng sinh học.
Theo báo cáo của WWF, trong số 825 vùng sinh thái trên cạn của Trái đất có 306 vùng bị tác động bởi ngành chăn nuôi. Còn theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (Conservation International) thì có đến 23 trong tổng số 35 “điểm nóng về đa dạng sinh học” bị ảnh hưởng bởi ngành chăn nuôi.
Sách đỏ về những Loài bị Đe doạ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) cũng cho thấy hầu hết những loài đang bị đe doạ trên thế giới là do mất đi môi trường sống, mà chăn nuôi là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
Giải pháp nào cho ngành chăn nuôi
Nguyên tắc chung để hạn chế tất cả những tác động tiêu cực do hoạt động chăn nuôi gây ra đối với môi trường là cải thiện, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lợi tự nhiên.
Các biện pháp kỹ thuật như phục hồi độ che phủ đất, xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi, làm hầm biogas, nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong tưới tiêu, quay vòng nước trong các trang trại chăn nuôi… cần phải được thực hiện ngay trước khi quá muộn. Bên cạnh đó, cần phải có quy định cụ thể về quy mô, các yếu tố đầu vào, vấn đề chất thải và xử lý chất thải…
Hiện nay, hầu hết các nguồn tài nguyên như đất, nước, các hồ xả thải đang được ngành chăn nuôi sử dụng thoải mái mà không phải trả phí hoặc với mức phí thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực của nó. Chính điều này đã thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển một cách ồ ạt, không có quy hoạch và gây ra nhiều vấn đề môi trường. Thậm chí ở nhiều quốc gia còn có những khoản trợ cấp vô lý cho những người chăn nuôi. Những khoản trợ cấp không thích hợp này vô tình đã khuyến khích họ thực hiện các hoạt động gây hại môi trường.
Do đó, cần phải thay đổi khung chính sách dành cho ngành chăn nuôi. Công việc ưu tiên hàng đầu hiện nay là điều chỉnh các loại phí tài nguyên và phí xả thải sao cho sao hợp lý cả về mặt kinh tế và môi trường, xoá bỏ các hình thức trợ cấp phi lý trong ngành chăn nuôi, thanh toán các dịch vụ môi trường, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến hệ thống chăn thả quảng canh như phục hồi đất, khôi phục cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống cho các loài hoang dã, cố định cacbon, trồng rừng…
Nói tóm lại, cần thiết phải xây dựng các khung chính sách cho ngành chăn nuôi ở phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế. Để thực hiện được điều này đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, tổ chức.
Cần phải tăng cường hiểu biết và kiến thức về những rủi ro môi trường có thể xảy ra do hoạt động của ngành chăn nuôi cho các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý, những người chủ trang trại và những người chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình.