ThienNhien.Net – Hoạt động kinh tế biển khá sôi động, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhưng cũng tác động xấu đến môi trường và làm suy thoái tài nguyên sinh thái biển. Tác động từ hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy hải sản, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến thủy sản, khai thác khoáng sản ngoài khơi, dầu tràn tới hế sinh thái biển đang là bài toán khó đối với các nhà quản lý.
Với lợi thế có hơn 3.000 km đường bờ biển, trong đó có hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, 44 vũng, vịnh nhỏ và 12 đầm, phá ven bờ, khoảng 1.120 km rạn san hô, khoảng 252.500 ha rừng ngập mặn, thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam…, hệ sinh thái ven biển mỗi năm đem lại lợi nhuận ước tính từ 60-80 triệu USD. Đặc biệt, vùng ven biển – nơi tập trung khoảng 30% dân số của cả nước- là vùng kinh tế động lực hướng ra biển.
Theo Chiến lược phát triển kinh tế biển đến 2020, Việt Nam phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và kinh tế biển, đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Song vùng biển nước ta đang đứng trước nguy cơ báo động ô nhiễm nguồn nước biển. Hàng nghìn m3 bèo tây dạt vào khu du lịch Đồ Sơn khiến Công ty Công trình Công cộng Du lịch và Dịch vụ nơi đây phải huy động hàng trăm công nhân vớt bèo, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các bãi tắm. Trước đó, cá lồng bè trên biển Cát Bà chết hàng loạt khiến người nuôi thủy sản lao đao. Thường xuyên hơn là tác động từ hoạt động của các cảng biển, phương tiện giao thông đường thủy nội địa và hàng hải bị cản trở bởi sa bồi, xói lở bờ do phát triển không theo quy hoạch đầm nuôi thuỷ sản dọc hai bên sông…
Các phương tiện giao thông đường thủy hàng ngày thải ra sông, biển hàng nghìn tấn chất thải công nghiệp và sinh hoạt như cặn dầu, nước ba-lát (nước rửa tàu), các chất thải rắn dạng hạt nhỏ… trong khi việc thu gom rác không đáng kể. Còn hầu hết các phương tiện thủy nội địa đều thiếu bộ phận thu gom chất thải, trong khi ý thức chấp hành quy định vệ sinh môi trường của các chủ phương tiện này chưa cao, là tác nhân gây ô nhiễm nặng môi trường vùng nước cảng biển và các khu du lịch.
Môi trường biển còn chịu tác động của các hoạt động công nghiệp, dân sinh dọc theo các tuyến sông, ven biển, đảo. Chất thải công nghiệp, sinh hoạt từ các khu đô thị, công nghiệp không được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để xả thẳng ra sông và biển. Biển là nơi cuối cùng phải “gánh chịu” hậu quả, chưa kể hàng loạt khách sạn, với các hoạt động dịch vụ ở các khu du lịch biển ngày đêm thải ra biển lượng không nhỏ nước và rác thải chưa qua xử lý.
Ông Nguyễn Đăng Đạo, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Hiện Tổng cục đang triển khai xây dựng và xác định “Các vùng biển nhạy cảm đặc biệt” như một công cụ quản lý tổng hợp quan trọng, thúc đẩy cơ chế quản lý đặc biệt đối với các vùng biển có giá trị về mặt sinh thái, kinh tế – xã hội, văn hóa và khoa học để không bị thiệt hại bởi các hoạt động hàng hải.
Bên cạnh đó, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi người dân, từng đơn vị, địa phương, coi biển là nguồn sống, “lá phổi” của chính cơ thể mình. Xây dựng nếp sống văn minh, tự giác chấp hành quy chế bảo vệ môi trường biển, không xả rác bừa bãi, hạn chế thải chất bẩn chưa qua xử lý ra môi trường. Các công trình xây dựng ven biển, hoạt động du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí ven biển, trên biển bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm nước thải không gây ô nhiễm theo quy định, đồng thời, đẩy mạnh trồng rừng ven biển, bảo vệ môi trường bền vững.