ThienNhien.Net – Chiều 13/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, với đại đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua 5 Dự án Luật gồm: Luật Đa dạng sinh học, Luật Công nghệ cao, Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức.
Luật Đa dạng sinh học
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn, khu dự trữ tự nhiên; Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên di truyền, quản lý, tiếp cận nguồn gen; cơ chế, nguồn lực bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học… là một số Chương, Điều chính trong số 8 Chương với 78 Điều của Luật Đa dạng sinh học.
Luật Công nghệ cao
Luật Công nghệ cao có 6 Chương với 35 Điều, quy định cụ thể về việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế, kỹ thuật; chính sách phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động công nghệ cao…
Luật Quốc tịch Việt Nam
Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) đã sửa tên Điều 3 của Luật hiện hành thành “Nguyên tắc quốc tịch” với nội dung: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có các quy định khác” (Điều 4 của dự thảo Luật).
Việc sửa đổi này, nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài mặc dù nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; một số người gốc Việt Nam trở về đầu tư, sinh sống mong muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn được giữ quốc tịch nước ngoài. Việc sửa đổi Điều 3 của Luật hiện hành như trên, cũng là để đảm bảo tính thống nhất và tính minh bạch, rõ ràng trong các quy định của pháp luật về quốc tịch của nhà nước ta.
Nhằm thể chế hoá Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Luật Quốc tịch (sửa đổi) đã bổ sung khoản 2 vào Điều 13 với nội dung “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn có quốc tịch Việt Nam”.
Luật Giao thông đường bộ
Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bỏ Khoản 2, Điều 2, vì nguyên tắc này đã được quy định trong Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Về quy tắc giao thông, Luật bổ sung các quy định bảo đảm cho người đi bộ tham gia giao thông an toàn, thuận lợi tại Khoản 4 Điều 11, Khoản 2, 3, 4 Điều 32. Bỏ quy tắc “không được vượt xe dưới gầm cầu vượt” cho phù hợp với thực tế hiện nay tại điểm c, Khoản 5, Điều 14; bổ sung quy định “người điều khiển xe súc vật kéo phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh trên đường” tại Khoản 3 Điều 31; bổ sung vào Khoản 3 Điều 69 quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về “chứng từ thu cước, phí vận tải” hành khách…
Luật Cán bộ, công chức
Luật Cán bộ, công chức gồm 10 Chương và 87 Điều, quy định cụ thể về các nguyên tắc trong thi hành công vụ; quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức; tuyển dụng công chức; điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức; khen thưởng và xử lý vi phạm cán bộ công chức.