ThienNhien.Net – Sáng 11/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã “đăng đàn” tại Quốc hội, làm rõ những vấn đề nổi cộm thời gian qua mà cử tri, các đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân quan tâm như giải quyết các cơ sở ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, vấn đề lúa gạo, giá vật tư nông nghiệp…
Phương thức làm việc tại các phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội này có nhiều điểm mới theo hướng tập trung và thiết thực hơn, xoay quanh những nhóm chủ đề chính.
Giải quyết vấn đề môi trường dựa trên điều kiện kinh tế – xã hội
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Phạm Khôi Nguyên trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội. Tại hội trường, có 21 lượt ý kiến trao đổi với Bộ trưởng trong đó 14 lượt ý kiến về vấn đề môi trường gồm vụ việc Vedan, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và 7 lượt ý kiến về khai thác khoáng sản.
Trước chất vấn của đại biểu Danh Út (tỉnh Kiên Giang) về việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp, kịp thời với tinh thần xử lý nghiêm minh, kiên quyết theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng, đến nay, Vedan thực hiện nghiêm túc các quyết định xử phạt như phá 3 trong số 5 đường cống thải, 2 đường cống đang được hàn lại, bắt đầu lắp đặt thiết bị tại bể xử lý nước thải, đã nộp 267 triệu đồng tiền phạt và nộp 15 tỷ đồng tiền truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và sẽ nộp đủ 127 tỷ đồng trong năm 2009. Hiện nay 3 trong tổng số 7 nhà máy của Vedan đã thực sự đóng cửa.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ TNMT đã cố gắng hết sức trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm của Vedan. “Tuy nhiên, qua đây, cũng rút ra bài học là lực lượng bảo vệ môi trường còn yếu, kinh nghiệm chưa nhiều”, Bộ trưởng bày tỏ và cho biết, sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan cảnh sát môi trường trong công tác bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng không có việc đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ và địa phương. Trong quyền hạn của mình, Bộ đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, còn việc dừng các khâu sản xuất của Vedan là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Không chỉ Vedan, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) chất vấn với băn khoăn phải làm sao vừa đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trả lời, giải quyết vấn đề môi trường được dựa trên điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam và phải bám sát trục phát triển bền vững – tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và bảo vệ môi trường.
Việc di dời các các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ được tiến hành theo lộ trình. Trước mắt, từ nay đến năm 2009, 439 cơ sở gây ô nhiêm nghiêm trọng sẽ được xử lý dứt điểm.
Bộ trưởng cho rằng, vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải nâng cao tính tự giác trong việc bảo vệ môi trường.
Về các chất vấn liên quan đến cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, giá kim loại trên thị trường thế giới tăng đột biến, khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, “Bộ rất chặt chẽ trong việc cấp giấy phép khai thác mỏ, trong đó, có đặt ra yêu cầu nghiêm khắc về đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác. Việc khai thác khoáng được thực hiện theo quy hoạch và có lộ trình cụ thể”, Bộ trưởng trình bày.
Các doanh nghiệp có khả năng khai thác bao nhiêu thì chỉ được cấp phép khai thác đến mức đó. Việc cấp giấy phép sẽ được rà soát lại kỹ càng và kiên quyết thu hồi giấy phép cấp sai quy định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nắm vững vấn đề, chuẩn bị khá kỹ và mong muốn Bộ trưởng biến quyết tâm thành các chuyển biến tích cực về môi trường.
Luôn quan tâm đến đời sống của người nông dân
Sau Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn.
Các chất vấn tập trung vào 3 vấn đề lớn về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo, giải quyết vấn đề về phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng, giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua; chính sách trồng, phát triển và bảo vệ rừng; các giải pháp mang tính chất chủ động nhằm đối phó với tình trạng thiên tai, lũ lụt gây tác động xấu tới đời sống người dân.
Về vấn đề xuất khẩu lúa gạo, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn tìm cách hướng đến mục tiêu làm sao nâng cao đời sống và thu nhập cho bà con nông dân.
Về vấn đề quản lý chất lượng, vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bảo vệ thực vật…), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, lợi dụng tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn nhiều bất cập, một số tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đã đưa ra thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hàng giả gây thiệt hại cho nông dân và bức xúc trong dư luận xã hội.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm và chia sẻ với người nông dân, đồng thời khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo và uỷ quyền cho UBND cấp huyện phối hợp với các Sở chuyên ngành tổ chức kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đã và đang kiên quyết xử lý những doanh nghiệp sai phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành.