ThienNhien.Net — Ngày nay, trong khi các đô thị trở thành động cơ của sự phát triển và như thỏi nam châm thu hút người dân ở khắp mọi miền quê đổ xô đến để tìm kiếm các cơ hội kiếm tiền tốt hơn, vẫn có một phần ba người dân đô thị tại các nước đang phát triển sống trong các khu nhà ổ chuột. Làm sao để những khu nhà ổ chuột tồi tàn sạch sẽ hơn, tử tế hơn, xanh hơn ngay cả khi ngày càng nhiều người đổ xô tới các đô thị? Đó là câu hỏi thách thức với các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia về phát triển và các tổ chức phi chính phủ trong việc tìm kiếm giải pháp bền vững cho các vấn đề đô thị tại Diễn đàn Đô thị Thế giới vừa diễn ra tại đô thị Nam Kinh, Trung Quốc từ ngày 03-06/11/2008.
Một tỷ người sống trong khu ổ chuột
Abha Joshi-Ghani, Giám đốc Urban group (nhóm phụ trách Đô thị) của Ngân hàng Thế giới nói: “Một tỷ người trên thế giới đang sống trong các khu ổ chuột, đó là thực tế gây sửng sốt. Chất lượng cuộc sống và điều kiện sống trong các khu vực này khiến chúng ta đau lòng.”
Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc khu vực ven sa mạc Saharan Châu Phi là nơi có tỷ lệ dân sống tại khu nhà ổ chuột cao nhất (62%). Hầu hết những người sống trong khu ổ chuột không có nước uống, điều kiện vệ sinh, sức khỏe, hay các dịch vụ giáo dục.
Ghani nhận xét “Mặc dù tỷ lệ nghèo ở các vùng nông thôn nhìn chung là cao, tỉ lệ người nghèo thực tế ở các khu đô thị thậm chí
còn cao hơn”. Vấn đề này thậm chí có thể trầm trọng thêm nếu mọi thứ diễn ra như dự báo của các chuyên gia, rằng đến năm 2013 sẽ có ¾ dân số thế giới sống tại các đô thị, khoảng 90% quá trình phát triển đô thị sẽ diễn ra ở các nước đang phát triển.
Đói nghèo ở đô thị gia tăng
“Nạn đói nghèo đang lan ra nhanh chóng ở các khu đô thị”, Chii Akporji, quản lý truyền thông của Tổ chức Liên minh các thành phố nói.
Akporji cho biết các thành phố đang chịu “sức ép vô cùng lớn” do nhiều người từ khu vực nông thôn hoặc các quốc gia khác nhập cư vì các lý do văn hóa và kinh tế, hoặc vì thiên tai hay xung đột. Rất nhiều nước đang phát triển không thể đương đầu với số lượng người nhập cư quá lớn. Đó là lý do tại sao có thâm hụt cơ sở hạ tầng, thâm hụt tài chính, và thâm hụt ở nhiều khu vực quan trọng, và điều đó chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa.
Nên chủ động về quy hoạch
Các thành phố không nên ngoảnh mặt làm ngơ với những người dân khu ổ chuột hay xua đuổi họ, Akporji nói thêm. Ngược lại cần có kế hoạch trước để phát triển tự nhiên cũng như hỗ trợ những người nhập cư từ nông thôn ra thành thị, và khi các khu nhà ổ chuột nổi lên thì nâng cấp chứ không phá bỏ. “Chúng ta công nhận họ là công dân thì nên đưa họ vào quy hoạch đô thị.” – Akporji nói – “Cần biến những khu nhà ổ chuột thành nơi sinh sống được, ít nhất phải thỏa mãn được điều kiện sinh hoạt tối thiểu như nước và vệ sinh.
Các thành phố lớn như Cairo, Ekurhuleni, Lagos, Manila, Mumbai và São Paulo đã đạt được những tiến bộ đáng kể là cấp nhà tập thể cho hơn 70 triệu người. Theo cuốn “Nâng cấp Nhà Ổ chuột: Kinh nghiệm từ 6 Thành phố” mới được Cities Alliance và thành phố Sao Paulo (Brazil) đồng xuất bản, sáu thành phố này đã áp dụng các biện pháp tiến bộ để nâng cấp nhà ổ chuột.
Theo dự đoán, quá trình đô thị hóa nhanh chóng sẽ làm tăng 30% khu vực xây dựng tại các thành phố, đặt gánh nặng lên vấn đề cung cấp dịch vụ nhà đất.
Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đang xây dựng Chiến lược đô thị mới với mục tiêu tạo cho thế giới, và đặc biệt các nhà quản lý đô thị một cách nhìn mới về đô thị qua lăng kính kinh tế cũng như lăng kính sinh thái. Tổ chức này cũng tiên phong áp dụng ở Tây Á mô hình Thành phố ECO2 – mô hình đưa các vấn đề môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả vào thiết kế đô thị.