ThienNhien.Net – Buôn Trí A, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) ngôi làng dân tộc nổi tiếng nhất mà tôi từng biết. Nổi tiếng không chỉ bởi cư dân ở đây bao gồm nhiều dân tộc bản địa anh em sinh sống như: Ê Đê, M’nông, Lào mà bởi cách thức làm giàu bằng du lịch. Họ đem những nét chân chất thật thà, cùng bản sắc văn hoá độc đáo ra làm du lịch để không chỉ xoá đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu, trở thành địa danh du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên.
Già làng Ya Nô và buôn trưởng Ama An không khỏi tự hào khoe với chúng tôi rằng, mỗi năm có hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến với buôn Trí A. Nhiệm vụ của mỗi người dân của buôn Trí A là thu hút các du khách ghé thăm và họ đã làm được điều đó. Đến nay buôn Trí A đã là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch của du khách khi đến Đắc Lắc.
Buôn có gần 70 hộ thì 2/3 trong số này có nguồn “thu nhập tạm ổn” từ làm du dịch. “Thu nhập tạm ổn” là cách nói của buôn trưởng Ama An, còn đối với các hộ dân ở đây, trong đó có cả gia đình Ama An, có thu nhập xấp xỉ 30 triệu đồng/ năm từ làm du lịch, chưa kể các nguồn thu khác từ ruộng rẫy… Còn những hộ thu nhập khá như cách nói của vị trưởng buôn là phải 50 – 60 triệu đồng từ du lịch mỗi năm trở lên thì ở ở buôn Trí A không phải là hiếm.
Thậm chí, người dân ở buôn Trí A không chỉ biết sử dụng nét văn hoá và các sản phẩm đặc sản như rượu Ama Kông, thổ cẩm… để phục vụ du lịch mà có hộ còn đưa cả những sinh hoạt sản xuất trên ruộng rẫy để giới thiệu cho du khách. Quả là một công việc lợi cả đôi đường, vừa thoả trí tò mò của du khách, còn họ lại học hỏi thêm ở du khách những cách thức sản xuất mới, làm cho cây lúa, cây đậu, cây bắp của mình nhiều hạt, nhiều củ, quả hơn.
Đồng bào các dân tộc ở đây vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống như: lễ cúng voi, lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước, lễ đâm trâu cùng các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần… và họ biết sử dụng hợp lý các giá trị văn hoá truyền thống này một cách hợp lý để làm du lịch, để cho mỗi du khách đến đây đều được đắm say trong âm thanh của cồng chiêng, ngất ngây bởi men rượu cần, rượu có vị thuốc Ama Kông.
Ở buôn Trí A giờ đây nhà nhà cùng làm dịch vụ du lịch. Hai bên con đường trải nhựa sạch sẽ, phẳng phiu xuyên suốt đến từng ngóc ngách của buôn là san sát các tiệm bán đồ lưu niệm phục vụ du khách. Hoạt động thương mại ồ ạt cũng khiến cộng đồng cư dân ở đây mất đi phần nào nét trầm lắng truyền thống. Nhưng tìm hiểu kỹ hơn một chút thì những nét văn hoá truyền thống và cả sự giao thoa văn hoá giữa các dân tộc bản địa như: Lào, Ê Đê, M’nông cùng chung sống hoà thuận trên dải đất ven dòng sông Sê rê pốc huyền thoại không bị mai một mà phần nào đó nhờ du lịch lại đước bảo tồn, phát huy.
Người dân ở đây không chỉ thông thạo cả 3 thứ tiếng bản địa, tiếng Kinh mà nhiều thứ ngôn ngữ khác như Anh, Pháp… cũng được nhiều người biết để phục vụ du lịch.
Ở buôn Trí A, du khách sẽ được trải qua cảm giác vừa thú vị, vừa có gì đó hơi sợ hãi một chút khi được ngồi vắt vẻo, lắc lư trên bành chú voi khệnh khạng xuyên qua làng, băng qua sông Sê rê pốc, xuyên rừng. Bạn còn được anh nài voi kể về huyền thoại vua săn voi – Khun Ju Nốp cùng ngôi nhà gỗ có tuổi hàng trăm năm và các kỷ vật của ông.
Ghé thăm khu nghĩa địa nhỏ nhưng rất nổi tiếng chỉ dành riêng cho các Gru (dũng sỹ săn voi), du khách sẽ phải tiếc ngẩn ngơ khi biết rằng, chỉ cách đây mấy năm rừng tượng nhà mồ ở đây đã bị kẻ gian dùng cưa máy cắt ngang và mang đi hàng chục bức tượng.
Buôn trưởng Ama An cho biết: ngoài việc cung cấp cho du khách các sản vật và một số giá trị văn hoá truyền thống như: cơm lam, rượu cần, rượu thuốc Ama Kông, nhạc cụ truyền thống theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp thì các hộ dân ở đây còn cho các doanh nghiệp thuê đất kinh doanh, rồi tự đầu tư mở tiệm bán đồ lưu niệm; các nài voi thì vừa kiêm điều khiển khiển voi phục vụ du khách vừa làm hướng dẫn viên du lịch; những nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, biết hát Ay Ray, múa xoang thì tập hợp lại lập các đội diễn tấu phục vụ du khách.
Các doanh nghiệp làm du lịch cũng rất thích tuyển dụng những nam thanh nữ tú của buôn Trí A vào làm nhân viên, bởi ngoài sự am tường về truyền thống văn hoá của những công dân của “buôn trung tâm” họ còn nổi tiếng về nhan sắc, độ lịch lãm.
Buôn Trưởng Ama An tự hào rằng ở buôn Trí A hiện nay đã có hàng chục nam thanh nữ tú tốt nghiệp cao đẳng, đại học, cao học và có người còn đang làm luận án tiến sỹ. Nhiều người học hành đàng hoàng ra trường quay về giúp buôn làm du lịch, phát triển kinh tế.
Lớp trẻ buôn Trí A bây giờ đang viết thêm một trang sử huyền thoại mới, đưa lại sự vẻ vang mới cho vùng đất này, giống như vua săn voi – Khun Ju Nốp đã từng làm được trong lịch sử.