Vedan chưa sợ luật pháp

ThienNhien.Net – Trao đổi với báo chí những ngày vừa qua, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những ngày qua công ty Vedan vẫn tiếp tục xả thải ra sông Đồng Nai và phớt lờ lệnh cấm ngày 06/10/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thay vì xả thải qua các hệ thống ngầm này thì họ lại xả ngay trước mắt các cơ quan chức năng.

Vedan vẫn vô tư xả thải

Vedan mới chỉ tạm thời ngừng hoạt động 3 nhà máy gồm tinh bột, lysin, phát điện còn các nhà máy còn lại vẫn duy trì công suất 60 – 70%. Tuy nhiên lượng nước thải mà Vedan thải ra hàng ngày là bao nhiêu trong những ngày này thì các cơ quan chức năng lại không nắm được. Theo tổ công tác liên ngành thì mỗi ngày lượng nước đầu vào mà Vedan sử dụng là 15.000 m3 (trước đây là 28.000 m3). Một điều mà chúng ta đề cập trước đây là hoạt động xả thải trái phép này không được giám sát để làm căn cứ truy thu phí môi trường thì nay điều đó lại có dấu hiệu tiếp diễn.

Không những vẫn tiếp tục xả thải bất chấp lệnh cấm mà Vedan vẫn còn duy trì hệ thống xả thải ngầm. Nhưng thay vì xả thải qua các hệ thống ngầm này thì họ lại xả ngay trước mắt các cơ quan chức năng. Đây là hành vi thể hiện sự thách đố đối với các cơ quan chức năng, chúng ta cần phải có hành động kiên quyết hơn.

Theo báo cáo của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) và Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) thì sau khi bị phát hiện xả trộm qua các cống xả ngầm thì Vedan đã thuê vận chuyển 130.000 tấn dịch thải sau lên men qua Đài Loan. 130.000 tấn dịch thải này có về tới Đài Loan hay nó lại được xả xuống biển của Việt Nam thì chúng ta không thể nào biết được.

Căn cứ vào mức độ xả thải của ông ty Vedan xuống sông Thị Vải, các cơ quan chức năng cũng xác định được lượng nước thải công nghiệp ô nhiễm mà Vedan đã gian lận để trốn nộp phí bảo vệ môi trường trong suốt thời gian qua. Vì vậy tránh thanh tra Bộ TNMT đã quyết định Vedan phải hoàn lại số tiền 127.268.067.520đ phí môi trường. Vedan đã ký vào biên bản đồng ý ngày 03/10/2008 nhưng đến ngày 10/10/2008 lại có kiến nghị là “phải tính toán lại” mức phí này, đây là biểu hiên coi thường pháp luật của Vedan cần phải được nghiêm trị.

Đùn đẩy trách nhiệm

Căn cứ vào mức độ vi phạm và hậu quả mà Vedan đã gây ra thì dư luận mong muốn một mức án nghiêm khắc cho doanh nghiệp này. Nhưng hiện tại pháp luật Việt Nam vẫn chưa có điều khoản nào về xử phạt pháp nhân gây ô nhiễm. Nếu đem cá nhân lãnh đạo ra xử theo luật thì chí ít cá nhân đó đã bị xử phạt hành chính, do vậy mà doanh nghiệp này vẫn ung dung đứng ngòai vòng pháp luật.

Không những thế cho đến tháng 11/2008 lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai vẫn không biết xử lý Vedan như thế nào vì sợ Vedan kiện ngược. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng Bộ tài nguyên và Môi trường đã có quyết định xử phạt Vedan nên sở không được phép ra bất kỳ một kỳ hình thức xử phạt nào nữa.

Hành động trên thể hiện sự trốn tránh trách nhiệm của Sở TNMT tỉnh Đồng Nai, họ còn lấy dẫn chứng bao biện : Theo khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính thì: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính một lần”.

Lý do này không hoàn toàn thuyết phục, bởi theo Luật Bảo vệ Môi trường, Điều 49 khoản 1 có qui định việc xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó các đối tượng này ngoài việc phải chịu phạt tiền và buộc thực hiện các biện pháp giảm thiểu …tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết. Thế nhưng ở đây Vedan lại ngang nhiên xả thải khi mà văn bản rút giấy phép xả thải 6 tháng vẫn chưa ráo mực.

Theo điểm b khoản 3 Điều 49 của luật Môi trường đã quy định rất rõ: “UBND cấp tỉnh quyết định việc xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền và theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ”. Qui định là vậy nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường lại lo sợ Vedan kiện ngược. Để xảy ra vụ việc Vedan thay vì có ai đó đứng ra chịu trách nhiệm thì ở đây lại có sự đùn đẩy trách nhiệm.

Có những ý kiến cho rằng nếu chúng ta quá nặng tay đối với Vedan thì sẽ ảnh hưởng tới các hộ trồng sắn (trồng mì). Nhưng nếu đã nghĩ như vậy, cũng phải nghĩ thêm rằng bên cạnh lợi ích của những hộ trồng sắn vẫn còn quyền lợi thích đáng của những hộ sống dựa vào con sông này, và sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân quanh lưu vực sông Thị Vải.

Vedan là bài học cho các cơ quan chức năng nhưng chúng ta phải ngăn cản để nó không trở thành cơ hội để các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm lợi dụng. Để làm được như vậy thì chúng ta cần phải giải xử lý Vedan một cách thích đáng.