ThienNhien.Net – Các đại dương vốn được coi là những chiếc máy điều hòa không khí, là nguồn hấp thu khí thải CO2 nay đang có xu hướng bị bão hòa vì quá tải. Nồng độ axit ở các đại dương tăng và xu hướng lưu thông không khí và độ ẩm từ các chí tuyến đến tầng bình lưu đang mạnh lên có thể gây ra những tác động khó lường tới môi sinh.
CO2 tích tụ trong không khí phần lớn được các đại dương hấp thụ. Chính vì vậy, nồng độ axit trong nước biển ngày càng tăng lên. Điều mà các nhà sinh vật học quan tâm là làm thế nào các dải san hô và sinh vật biển có thể thích nghi với sự biến đổi này.
Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu những thay đổi trong thành phần hoá học của nước biển. Keith Hester và các đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu thuỷ sinh Vịnh Monterey (MBARI) ở Califonia, Mỹ mới đây đã giải thích những tác động của sự axit hóa đại dương trên tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý .
Công trình nghiên cứu nhận định rằng nước ở các đại dương phía Bắc bán cầu hiện đang trải qua một sự chuyển biến lớn chưa từng thấy trong thành phần hóa học cơ bản. Điều này không chỉ tác động có hại đến hệ sinh thái mà còn đến các tài nguyên địa vật lí cơ bản, bao gồm cả yếu tố âm thanh.
Sự axit hóa đại dương ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ âm thanh của các phân tử mang điện tích trong nước biển, gây khó khăn cho các sinh vật biển trong việc tìm kiếm thức ăn và bạn tình.
Người ta vẫn chưa đánh giá được hết những ảnh hưởng của hiện tượng axit hóa đại dương đến các sinh vật biển. Nhưng kết quả nghiên cứu này một lần nữa cho thấy những tác động của con người (phát thải khí CO2) đối với môi trường và những hậu quả không mong muốn.
Sự nóng lên của mặt nước biển đã tiếp cận tới tầng bình lưu nhiệt đới, lớp khí quyển cách mặt đất 7 đến 10 dặm và kéo dài khoảng 30 dặm. Quá trình tăng lưu thông không khí và độ ẩm từ các chí tuyến đến tầng bình lưu đang lan rộng, sau đó lại giảm xuống ở những vĩ độ cao hơn. Đây là sự lưu thông cơ bản trong hệ thống khí hậu của chúng ta, gọi là sự lưu thông Brewer-Dobson. Sự nóng lên của toàn cầu đang thay đổi rõ rệt xu thế lưu thông nhưng cách thức ra sao hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn.
Trong một nghiên cứu khoa học mới đây, Rudolf Deckert và Martin Dameris thuộc Viện Vật lí học Khí quyển Đức cho biết sự lưu thông cơ bản này đang tăng tốc. Điều này không chỉ thay đổi những phương diện vật chất quan trọng của lưu thông khí quyển mà có thể còn phân phối lại hoặc thay đổi thành phần hoá học của không khí từ tầng bình lưu đến mặt đất.
Các nhà khoa học cho biết sự lưu thông Brewer-Dobson sẽ tác động đến khí hậu tương lai với sự thay đổi không những thành phần hóa học và không khí của tầng bình lưu mà của cả bề mặt trái đất.