ThienNhien.Net – 96% nguồn nước sạch của trái đất được các hệ thống nước ngầm cung cấp, và hầu hết chúng đều nằm giữa biên giới các quốc gia. Chính vì vai trò quan trọng đó, UNESCO đã xuất bản tấm Bản đồ Hệ thống Nước ngầm Xuyên quốc gia Toàn cầu đầu tiên và cùng với bản Dự thảo Hiệp định Nước ngầm Xuyên quốc gia đã được đệ trình lên Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 27/10 vừa qua.
Dù có tầm quan trọng chiến lược, song từ trước đến nay vẫn chưa có tài liệu thống kê toàn cầu nào về nguồn nước ngầm được biên soạn. Kể từ năm 2000, Chương trình Nghiên cứu Thuỷ học Toàn cầu của UNESCO (IHP) đã thiết lập hệ thống dữ liệu về nước ngầm, và mới đây họ đã công bố một bản đồ chi tiết về hệ thống nước ngầm xuyên quốc gia, miêu tả chi tiết những mạch nước ngầm chung được chia sẻ giữa ít nhất 2 quốc gia.
Bản đồ cũng cung cấp thông tin về chất lượng nước và tỉ lệ nước được tái tạo. Cho đến nay bản thống kê bao gồm thông tin về 273 mạch nước ngầm chung: 68 ở châu Mỹ, 38 ở châu Phi, 65 ở Đông Âu, 90 ở Tây Âu và 12 ở châu Á.
Các tầng nước ngầm chứa lượng nước sạch gấp 100 lần lượng nước trên bề mặt trái đất đã đáp ứng phần lớn nhu cầu của chúng ta về nước. Nhu cầu sử dụng nước trong nửa sau thế kỷ XX tăng mạnh đã được đáp ứng bằng cách tăng cường khai thác các nguồn nước ngầm. Trên toàn cầu, 65% lượng nước ngầm được dùng cho thủy lợi, 25% cho nhu cầu nước uống và 10% cho công nghiệp.
Các hệ thống nước ngầm cung cấp cho hơn 70% nhu cầu sử dụng của Châu Âu và gần như là nguồn cung cấp duy nhất cho những vùng khô cằn và bán sa mạc (cung cấp 100% nước ở Saudi Arabia và Malta, 95% ở Tunisia và 75% ở Morocco).
Hệ thống tưới tiêu ở nhiều nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước ngầm (chiếm 90% nguồn nước ở Libyan Arab Jamahiriya, 89% ở Ấn Độ, 84% ở Nam Phi và 80% ở Tây Ban Nha)
Mặc dù hệ thống mạch nước ngầm hiện có ở tất cả các châu lục, song không phải tất cả chúng đều có khả tái tạo. Ví dụ, những mạch nước ở Bắc Phi và bán đảo Arabian được hình thành từ hơn 10 000 năm trước, khi khí hậu ẩm ướt hơn, hiện tại không còn tái tạo được nữa. Ở vài vùng, thậm chí nếu mạch ngầm có thể tái tạo bởi lượng mưa thường xuyên thì lại bị đe doạ bởi sự khai thác quá mức và ô nhiễm. Ở những hòn đảo nhỏ và các vùng duyên hải thuộc Địa Trung Hải, lượng nước ngầm được sử dụng nhiều hơn so với lượng có thể tái tạo.
Bên cạnh đó, Châu Phi mặc dù có vài mạch nước ngầm nằm trong số các mạch nước ngầm lớn nhất trên thế giới nhưng vẫn chưa được tận dụng nhiều. Họ có tiềm năng đáng kể và nguồn nước của họ được quản lý trên cơ sở bền vững. Nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm, các nước Châu Phi đã mở rộng việc phê chuẩn khai thác nước qua các uỷ ban chung giữa các quốc gia.
Những cơ chế như thế bắt đầu xuất hiện những năm gần đây. Ví dụ từ những năm 90, Chad, Ai Cập, Libyan Arab Jamahiriya và Sudan đã thiết lập một uỷ ban chung nhằm phối hợp quản lí hệ thống nước ngầm Nubian. Trong dự án mạch nước Iullemeden, Niger, Nigeria và Mali đã chấp nhận, trên nguyên tắc chung, một cơ chế tư vấn điều hành hệ thống nước ngầm này. Tuy nhiên, những hệ thống kiểu này vẫn còn là ngoại lệ.
Bản dự thảo Hiệp định Nước ngầm Xuyên quốc gia được soạn thảo bởi Hội đồng Luật pháp Quốc tế của Liên Hiệp Quốc với sự trợ giúp của các chuyên gia IHP với mong muốn xoá bỏ khoảng cách trong luật pháp giữa các quốc gia nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm chung. Bản dự thảo đã được đệ trình trong buổi họp thường kì của Liên Hiệp Quốc vào ngày 27/10/2008, kêu gọi các quốc gia bảo vệ các hệ thống nước ngầm, hợp tác để gìn giữ và kiểm soát sự ô nhiễm nguồn nước.
Chương trình Đánh giá và Lập Bản đồ Thuỷ học Thế giới (WHYMAP) đã được khởi xướng từ năm 1999 nhằm nâng cao hiểu biết và quản lí tài nguyên trái đất đặc biệt là nguồn nước ngầm. Năm 2000 IHP đã đề xuất Dự án Quản lí Tài nguyên Nước ngầm Toàn cầu (ISARM) nhằm thu thập các thống kê và đánh giá hệ thống nước ngầm toàn thế giới (mô tả, ước lượng lượng nước và tỉ lệ tái tạo,..). Việc đánh giá từng vùng đã được thực hiện. Trong giai đoạn đầu tiên dự án sẽ xác định vị trí địa lí mạch nước ngầm và sau đó sẽ chi tiết hoá luật pháp của mỗi quốc gia liên quan tới việc quản lý nguồn nước ngầm. |