ThienNhien.Net – Vùng thung lũng rừng nhiệt đới núi Cardamom, Campuchia được biết tới là “vùng rừng thiêng” trong khối đa dạng sinh học Châu Á. Đây là nơi sinh sống của cá sấu Xiêm và hơn 30 loài thú, chim, cá và lưỡng cư có nguy cơ bị tuyệt chủng. Khu vực này đã tuyệt đối an toàn trong suốt thời kỳ chiến tranh, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng chỉ do một dự án xây đập thuỷ điện mà theo các chuyên gia bảo tồn đánh giá là “không thực sự cần thiết”.
Đập thuỷ điện dự tính sẽ được xây cao khoảng 35m nằm trong đề xuất xây dựng những nhà máy thuỷ điện và cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành điện tại Campuchia từ trong cam kết trao đổi những tài nguyên chưa khai thác giữa quốc gia này và Trung Quốc.
Loài cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis) – một loài bò sát quý hiếm, có lẽ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu dự án này được triển khai. Cá sấu Xiêm là cá sấu nước ngọt, sinh sống chủ yếu tại Lào, Thái Lan, Việt Nam và Cam-pu-chia. Khu vực sông Areng của Cam-pu-chia được đánh giá là nơi vùng cư trú chủ yếu và an toàn nhất của chúng, có khoảng 40 – 50 cá thể.
Theo khảo sát của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), thế giới hiện chỉ còn gần 200 cá thể cá sấu Xiêm trong tự nhiên. Việc xây dựng đập nước sẽ làm biến mất hơn 1/5 số cá thể còn lại đó.
FFI nhận định nếu sông Areng bị ngăn để xây đập thì số lượng của loài bò sát ở đây sẽ bị giảm đi nhanh chóng và thậm chí có thể sẽ bị “quét sạch”. Việc xả nước sẽ phá huỷ các khu vực sinh sản, vùng kiếm thức ăn, các khu vực sưởi nắng dọc theo bờ sông và nơi trú ẩn của chúng.
Tổ chức này cũng lo sợ rằng với sự có mặt của hơn 1.000 công nhân Trung Quốc, nạn săn trộm cá sấu và các loài động vật hoang dã khác trong khu vực thung lũng sẽ gia tăng. Tiền lệ này đã từng xảy ra với những công trình khác được xây dựng trước đây.
Hơn nữa, việc xây dựng đập nước sẽ ảnh hưởng tới đời sống của hàng trăm hộ gia đình người Khmer bản xứ, vốn định cư lâu dài ở đây, có nếp sống hài hoà với thiên nhiên và có ý thức bảo vệ tự nhiên. Sáu, và rất có thể là bẩy ngôi làng sẽ bị di dời để nhường chỗ cho công trình thủy điện.
FFI cũng nhận định nhu cầu điện của Campuchia đang gia tăng, đặc biệt là thủy điện song cũng chỉ rõ rằng bản báo cáo Nghiên Cứu kế hoạch chuyên sâu về phát triển thuỷ điện tại Campuchia vào năm 2007 của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Bộ Khoáng sản và Năng lượng Campuchia đã chỉ ra 10 khu vực có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện của quốc gia, trong số đó không hề có cái tên Chay Areng.
Do đó, việc có cho xây dựng đập thuỷ điện Areng hay không giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào phía chính phủ Campuchia. Khi đó tuơng lai của loài cá sấu, của hàng trăm hộ dân ở đây và của cả một hệ sinh thái sẽ được quyết định.