"Giải cứu" miền đất khát (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Đề tài “Điều tra nghiên cứu các nguồn nước Các-xtơ khu vực Nà Phạ (xã Mậu Duệ – huyện Yên Minh) lựa chọn, thiết kế mô hình khai thác” của Tiến sỹ khoa học Vũ Cao Minh, Viện địa chất, TTKHTN&CN Quốc gia đã hé mở niềm vui cho đồng bào cao nguyên đá sinh sống nơi địa đầu Tổ Quốc.

“Giải cứu” miền đất khát (Kỳ 1)


Đồng chí Bùi Thị Nhung, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang cho biết: “Với điều kiện tự nhiên vùng cao núi đá Hà Giang, việc phát hiện và xây dựng đề tài nghiên cứu nguồn nước các-xtơ thôn Nà Phạ xã Mậu Duệ ở trên độ cao xấp xỉ 1.000m là một trong những giải pháp tích cực, góp phần hình thành các giải pháp khoa học công nghệ tạo nguồn nước cho các vùng khó khăn về nước, để cải thiện điều kiện sinh hoạt do thiếu nước, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái và điều kiện sản xuất ở các xã Mậu Duệ huyện Yên Minh, Lũng Phìn, Hố Quáng Phìn, Sủng Trái huyện Đồng Văn, Sủng Máng của huyện Mèo Vạc”

Theo kết quả khảo sát, nguồn nước Nà Phạ có các điểm xuất lộ nước, khởi phát từ độ cao 1.150m đến 1.200m chảy về và hợp lưu tại bản Nà Phạ, dưới độ cao 900m thành suối Nà Phạ. Suối đổ vào hang các-xtơ chảy ngầm trong núi khoảng 1km và thoát ra ở sườn thấp, rồi đổ vào sông Nhiệm. Nguồn nước thường xuyên có lưu lượng 2m3/s. Lưu vực suối Nà Phạ trước khi chảy vào hang rộng gần 1,2km2, mặt đệm thấm nước là đất đá ít thấm nước, lưu lượng nước thay đổi theo mùa. Tổng lượng nước ước tính khoảng 1 triệu m3/năm, chất lượng nước có thành phần hoá lý đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt. Các hàm lượng nitrat, nitrit, amoniac, nguyên tố vi lượng đều rất nhỏ so với tiêu chuẩn cho phép.

Theo đánh giá của các chuyên gia Viện địa chất, với trữ lượng nước gần 1 triệu m3/ năm thì việc xây dựng hồ đập chứa nước ngay tại nguồn có thể khai thác hết công suất nước, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2 đến 3 vạn người. Từ đó, kết hợp với phát triển kinh tế tập trung ở khu giáp ranh giữa ba huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc ổn định được cuộc sống lâu dài cho bà con. Ngoài ra, có thể quy hoạch nơi đây thành cụm dân cư kinh tế có ý nghĩa lớn cho sự phát triển bền vững của cả vùng cao nguyên đá.

Thực tế, đề tài đã thành công ngoài mong đợi của các nhà khoa học cũng như chính quyền tỉnh Hà Giang. Giải pháp xây dựng công nghệ hồ chứa, hồ dâng với kỹ thuật thi công hồ thượng lưu là đắp đập, dùng trũng các-xtơ để chứa nước. Biện pháp kỹ thuật chủ yếu chống mất nước qua các hang các-xtơ, hố sụt các-xtơ đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện điều kiện thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân trên cao nguyên đá.

Giải pháp về công nghệ hoàn thiện quy trình cung cấp nước và trữ nước trong mùa khô hạn, mang ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế xã hội của các huyện vùng cao núi đá.

Trong những năm qua, với công nghệ này tỉnh Hà Giang đã triển khai thăm dò và xây dựng thử nghiệm “ hồ treo” Xà Phìn tại bản Xà Phìn B xã Xà Phìn huyện Đồng Văn, với dung tích khoảng 3.000m3, bằng các giải pháp kỹ thuật đáy và thành hồ được gia cố đảm bảo không bị đục hoặc thẩm thấu. Hồ được xây dựng ngay cạnh đường đi Đồng Văn, có hình trái tim được thiết kế rất thẩm mỹ và hiệu quả.

Việc thử nghiệm hồ Xà Phìn thành công đã tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục đề xuất xây dựng công trình hồ treo Tả Lủng vào năm 2005 tại xã Tả Lủng huyện Mèo Vạc. Hồ có dung tích 3 vạn mét khối. Để tạo mặt bằng của đáy hồ những người xây dựng đã phá, nổ hơn 1.000m3 đá vôi, hàng chục giếng, hang ngầm có đường kính từ 0,5 đến 1m, sâu từ 5- 10m được san lấp và gia cố bằng vật liệu chống thấm. Xây dựng đập chắn nước cao 5m, rộng 3m, dài hơn 50m bằng đá tảng. Với việc tạo dáng hồ như vầng trăng khuyết, biến hồ treo như một hạt ngọc trong xanh giữa cao nguyên bạt ngàn đá.

Theo tính toán của chuyên gia Viện địa chất học nếu tận dụng tất cả các điều kiện tự nhiên, đặc điểm thành phần vật chất của các địa tầng, các tầng cấu trúc địa chất, địa hình, thuỷ văn, địa chất công trình. Bằng công nghệ “hồ treo” có thể cung cấp nước cho tất cả người dân sống trên cao nguyên đá có thể sử dụng bình quân mỗi ngày 150lít nước/người/ngày. Và hiệu quả tất nhiên là sẽ cải thiện được nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Nói về những thành công của công nghệ hồ treo mà người dân Đồng Văn được hưởng lợi. Chủ tịch huyện Đồng Văn, ông Sùng Đại Hùng cho biết: “Giải pháp xây dựng hồ chứa nước này sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết nước sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào. Đây chính là động lực quan trọng để ổn định, phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững của các xã vùng cao núi đá của huyện.

Sắp tới nhiều khả năng đồng bào ở nơi đây sẽ có thêm nhiều hồ chứa được xây theo giải pháp “hồ treo”.

Cao nguyên mùa gieo hạt, những nương ngô vươn mình, lá xanh biếc như nét chấm phá giữa bạt ngàn núi đá xám xịt, tương phản một sức sống diệu kỳ. Cao nguyên mùa khô rất cần nước. Công nghệ hồ treo, ngoài sự ghi nhận về một giải pháp khoa học công nghệ, nó đã và đang góp phần “giải cứu” cho miền đất khát cao nguyên đá Hà Giang.