ThienNhien.Net – Hiện mực nước các hồ của TP Hà Nội đều đã giảm. Công tác bơm tiêu úng tiến triển tích cực và nước ngập trong các đường phố nội thành đã rút nhiều. Thành phố tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp khắc phục hậu quả ngập úng như cung cấp thuốc, hàng hóa miễn phí, tổ chức vận chuyển miễn phí cho người dân.
Ứng cứu kịp thời, vận chuyển miễn phí người dân qua vùng ngập lụt
Ngày 4/11, Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai tiếp tục huy động 14 cán bộ, chiến sĩ và 280 dân quân tự vệ dùng xuồng cao su cấp phát 450 thùng mì tôm, 100 bình nước uống và 10 xe téc nước sinh hoạt cho các hộ dân hiện vẫn bị cô lập.
Hàng trăm cán bộ chiến sỹ cùng phương tiện được huy động để túc trực 24/24 tại trạm bơm Yên Sở, chở đất đá, cọc tre khắc phục sự cố sạt chân đê sông Nhuệ, khắc phục sạt mương và tràn đê bao.
15h ngày 4/11, Đơn vị B7 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) cử 2 kíp xe thiết giáp DM2 đến cứu hộ các phương tiện giao thông đang bị ngập trên tuyến đường Giải Phóng từ Bệnh viện Bạch Mai đến bến xe Nước ngầm. Sáng cùng ngày, Trường Trung cấp nghề số 10 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã điều xe tải đến tuyến đường này để chở khách miễn phí qua những đoạn ngập lụt.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân qua những vùng ngập nước, từ ngày 3/11, Sở Giao thông – Vận tải thành phố đã huy động các phương tiện chở miễn phí người dân và phương tiện. Việc làm này nhằm hạn chế hiện tượng một số người lợi dụng tình hình ngập lụt, tham gia vận chuyển người, hàng hóa, phương tiện với giá cao.
Bên cạnh đó, các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn Hà Nội luôn sẵn sàng cơ động để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra.
Dùng hàng Tết Kỷ Sửu phục vụ người dân bị mưa ngập
Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống cho người dân.
Trường hợp quận, huyện gặp khó khăn, phải liên hệ gấp để thành phố hỗ trợ, bất kể là hàng hóa, thiết bị, máy móc hay kinh phí. Các quận huyện cũng cần kiểm soát chặt và bám sát tình hình thực tế ở địa phương để bố trí lịch đi học của học sinh.
Lãnh đạo UBND TP kêu gọi tinh thần hỗ trợ, động viên, “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề cấp bách bảo vệ đê điều, phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lớn, úng ngập trên địa bàn, hôm qua (4/11), Trung tâm chỉ huy của TP Hà Nội đã được thành lập để trực tiếp chỉ đạo xử lý các lĩnh vực cụ thể liên quan đến mưa lụt. |
Thành phố đã cho phép chuyển số hàng hóa trị giá 160 tỷ đồng, đã chuẩn bị trước đó cho Tết Kỷ Sửu sang phục vụ người dân vùng khó khăn.
Nhiều trường học sẽ nghỉ tới hết 8/11
Chiều 4/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục có Công điện khẩn số 6, công bố danh sách các trường được tiếp tục cho học sinh nghỉ học do úng ngập. Theo đó sẽ có 729/2302 trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học.
Công điện cũng yêu cầu hoãn việc tổ chức các hội nghị liên quan đến cơ sở để toàn ngành tập trung vào việc chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Kịp thời triển khai công tác y tế
Theo Sở Y tế Hà Nội , hiện nay trên địa bàn thành phố đang có nguy cơ xuất hiện các bệnh tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đang điều tra dịch tễ để có kế hoạch cho người dân tiêm vaccine phòng bệnh thương hàn và uống vaccine tả miễn phí ở vùng có nguy cơ cao.
Những ngày qua các bệnh viện vẫn đảm bảo công tác thu gom, đóng gói, phân loại và xử lý rác thải y tế theo đúng quy định; nước thải y tế độc hại, trước khi xả ra môi trường đều phải qua xử lý ban đầu.
Chính quyền xã giám sát chặt tình hình dịch bệnh sau khi mưa lũ, nhất là chú ý phát hiện sớm các ca tiêu chảy để ngăn chặn sớm, không để dịch tả bùng phát.
Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã bắt đầu tiến hành phun khử trùng môi trường ở các điểm nước đã rút theo phương châm, nước rút tới đâu vệ sinh sạch sẽ tới đó.
Sở Y tế phối hợp xử lý nguồn nước nhiễm bẩn, đặc biệt nước thải bệnh viện sau úng ngập bằng Cloramin B. Để khử khuẩn nguồn nước, Sở Y tế khuyến cáo người dân sử dụng 15g Chloramin B hòa tan đối với 1m³ nước, sau 30 phút đến 1 giờ để có nước sạch dùng.
Ngoài ra, Sở cũng chuẩn bị 1 triệu tuýp thuốc trị đau mắt, thuốc trị nấm kẽ chân để cấp phát cho người dân sau ngập úng.
Lúc 7h sáng 5/11 mực nước đo được trên sông Hồng là trên 9,8m, trên mức báo động số 1 là 0,3m. Mực nước tại bể hút của trạm bơm Yên Sở đã giảm so với mức nước cao nhất khoảng 42 cm.
Mực nước các hồ của Hà Nội tuy đều đã giảm so với hồi 19h, ngày 4/11, nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể: Hồ Đồng Mô (18,67m); Suối Hai (23,80m); Các hồ Chương Mỹ, Đồng Sương ở mức 18,33m; Văn Sơn (19,72m); Hồ Miễu (39,55m); Hồ Quan Sơn (5,9m); Hồ Đồng Đò (39,1m). Tình trạng của các hồ đều an toàn. Công tác bơm tiêu úng tiếp tục tiến triển tích cực và nước trong nhiều đường phố nội thành đã rút nhiều. Tuy nhiên, trong nội thành vẫn còn 12 khu vực bị ngập nặng, trong đó khu vực bến xe Giáp Bát còn ngập sâu 45cm, Định Công 30cm, Tân Mai còn ngập tới 1m nước… |