ThienNhien.Net – Các nhà khoa học mới phát hiện ra một loại nấm màu hồng trong rừng nhiệt đới phía Bắc Patagonia (Nam Mỹ) có khả năng tiết ra khí hydrocacbon. Phát hiện này được coi là một bước tiến quan trọng hứa hẹn cung cấp một nguồn nhiên liệu sinh học mới. Nghiên cứu cụ thể được công bố trên tạp chí Microbiology.
Gary Strobel, nhà sinh vật học thuộc đại học Bang Motana (Bozeman, Mỹ) cho biết: “Đây là loài sinh vật duy nhất được phát hiện cho đến nay cho thấy khả năng tạo ra hỗn hợp nhiên liệu từ cellulose, chất có thể tạo ra nguồn nhiên liệu tốt hơn bất cứ nguồn nhiên liệu nào chúng ta đang sử dụng.”
Strobel cho biết ông đã tình cờ phát hiện ra loài nấm Gliocladium roseum nhờ “hai lần may mắn”. Lần thứ nhất là vào cuối những năm 1990 ở Honduras, khi nhóm nghiên cứu của ông tình cờ phát hiện một loại nấm chưa từng được biết đến và đặt tên là Muscodor albus. Họ cũng đồng thời phát hiện ra rằng M. albus có khả năng tiết ra một chất kháng sinh mạnh và dễ bay hơi có thể giết chết các loài nấm khác.
Ngạc nhiên trước phát hiện này, nhóm đã kiểm tra tác động của M.albus với các loài nấm khác trên cây trên gỗ cây du với hi vọng phát hiện những loài nấm tương tự. Kết quả thất bất ngờ, loài nấm G. roseum có thể chịu được các loại khí mà M. Albus tiết ra trong khi các loại nấm khác đều bị chết. G. roseum cũng phát ra những loại kháng sinh dễ bay hơi.
Kết quả kiểm tra hỗn hợp khí thu được từ G. roseum khiến các nhà nghiên cứu càng ngạc nhiên hơn vì nó chứa một lượng lớn hydrocacbon và các chất dẫn xuất hydrocacbon.
Nhóm của Strobel đã nghiên cứu G.roseum qua các giai đoạn phát triển của nó trong phòng thí nghiệm, cho G.roseum sống trên thạch yến mạch, cellulose và dùng quạt gió để thu các chất khí nấm sinh ra. Kết quả phân tích cho thấy phần lớn khí thu được là hydrocacbon, trong đó có 8 hợp chất là những thành phần dồi dào nhất trong dầu diesel.
Nhiên liệu sinh học có thể thay thế cho dầu mỏ, nguồn nhiên liệu có hạn và cũng là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Song việc sản xuất nhiên liệu sinh học hiện nay lại ảnh hưởng tới thị trường lương thực thế giới, vì các nguồn nhiên liệu sinh học hiện có đều được tạo ra từ lương thực.
Một nguồn nhiên liệu sinh học nữa là từ các cây lấy sợi không ăn được, giá thành rẻ và các nguyên liệu chứa cellulose như cỏ mềm, vỏ gỗ bào và rơm rạ. Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu này lại khó sản xuất với quy mô thương mại do giá thành và công nghệ phức tạp.
Chính vì thế việc phát hiện ra loài nấm mới có thể hứa hẹn cung cấp nguồn năng lượng “xanh” cho tương lai, đảm bảo sự phát triển bền vững và lại không ảnh hưởng đến nguồn lương thực của thế giới. G.roseum có thể tạo ra nhiên liệu sinh học trực tiếp từ cellulose, hợp chất chính trong cây cối và giấy. Điều đó có nghĩa là nếu sử dụng nấm để tạo nhiên liệu thì chúng ta có thể bỏ qua một số công đoạn trong quá trình sản xuất.
Theo nghiên cứu của Strobel, thay vì sử dụng đất nông nghiệp để tạo ra nhiên liệu sinh học, có thể trồng G.roseum trong nhà máy và hóa lỏng các khí thu được thành nhiên liệu. Một cách khác là có thể lấy những gen tạo enzim từ nấm và sử dụng chúng để phá vỡ cấu trúc cellulose tạo nên nhiên liệu sinh học.
Strobel cho biết, Trường đại học bang Motana được độc quyền về loại nấm này, và sẽ chia sẻ phát minh này với người dân Patagonia. Địa điểm phát hiện nấm G.roseum hiện vẫn được giữ kín do những lo ngại về tình trạng đổ xô săn lùng loài nấm này. Theo nhà sinh vật học Strobel, phát hiện này thậm chí còn quan trọng hơn phát hiện ra loài nấm chứa chất chống ung thư vào năm 1993.