ThienNhien.Net – Nhiều bộ, ban, ngành và các tỉnh miền núi và đồng bằng Bắc bộ đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ đồng thời chủ động chuẩn bị phương án tổng thể đối phó với đợt mưa lớn sắp tới, trong đó có việc tập trung gia cố các tuyến đê xung yếu.
Tại cuộc họp sáng 5/11 tại Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu thành phố Hà Nội tổ chức ngay các đoàn công tác đi kiểm tra kỹ các tuyến đê trên địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố.
Ông nhấn mạnh Hà Nội cần dự kiến các tình huống xấu có thể xảy ra để chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý các tình huống bởi nếu lượng mưa trong đợt mưa dự báo diễn ra từ ngày 6 đến 8/11 thêm 200-300mm sẽ rất nguy hiểm, vì hiện nay các điều kiện như nền đất, giao thông, nội đồng ngập úng tại Hà Nội đều đang ở mức báo động. Đáng lo ngại nhất là việc xả lũ khi nước dân trên hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà sẽ làm lũ ở sông Hồng lên cao, đe dọa đến cuộc sống của người dân ở bãi và hai bên sông Hồng.
Ngoài ra, Hà Nội cần triển khai nhanh các biện tiêu úng, đặc biệt là tiêu úng cho khu vực nội thành, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống trạm bơm Yên Sở để sử dụng hết công suất của trạm bơm này, đồng thời hạn chế nước ở khu vực khác đổ vào nội thành.
Theo Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đào Xuân Học, nếu tình huống xấu nhất xảy ra là lượng mưa có thể lên 300mm trên toàn bộ lưu vực các hồ trong vòng ba ngày tới thì mực nước tại Hà Nội vẫn ở mức an toàn 10,5m, bởi các tuyến đê tại Hà Nội chịu được mức nước là 13,4m. Song để tránh tâm lý chủ quan, Hà Nội cần lên kế hoạch dự trù trong tình huống xấu nhất.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Ninh Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, khẩn trương tu bổ các tuyến đê và thông báo thông tin về mưa, lũ, ngập úng cho nhân dân vùng bãi sông, đê bối, vùng nguy cơ sạt lở và lũ quét để chủ động phòng tránh.
Theo Cục Đê điều, đáng lo ngại nhất là tuyến đê sông Nhuệ và Duy Tiên đã có 6km đê bị tràn và nhiều vị trí bị sạt, trong đó đê Hữu Bùi đã tràn hầu hết các tuyến và tuyến đê tả Bùi, tả Tích có nhiều chỗ bị sụt. Tại tuyến đê sông Hồng ở huyện Đan Phượng cũng đã xảy ra hiện tượng sạt bờ hữu sông Hồng khu vực kè Liên Trì.
Nhiều đoạn đê qua huyện Mê Linh đã bị sạt lở, có vị trí lở dài 25m. Tại huyện Từ Liêm đã xảy ra sự cố sụt đỉnh kè Thụy Phương và tại quận Long Biên đã bị sụt đỉnh và mái kè Gia Thượng. Tính đến thời điểm này, đã có 9 điểm sạt lở trên tuyến đê tả và hữu ở sông Đáy.
Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết hiện lũ trên sông Hồng và sông Nhuệ vẫn đang lên và duy trì ở mức cao, có thể đạt 10,65m (tương đương mức báo động hai) vào ngày 6/11. Mực nước này, cộng thêm với lượng mưa được dự kiến từ khoảng 200-300mm vào ngày 6/11, sẽ là vô cùng nguy hiểm đối với các tuyến đê xung yếu và đã có hiện tượng sạt, lở tràn. Vì vậy, việc gia cố thân và các triền đê là điều cấp bách số 1 hiện nay, đồng thời cần thống kê số lượng dân ở những vùng nguy hiểm để di dời đến nơi an toàn.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 5h ngày 5/11, mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã làm 79 người chết và mất tích. Hà Nội bị thiệt hại nặng nhất với 22 người chết, tiếp đến là Hà Tĩnh với 17 người và Nghệ An với 9 người.