ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh các doanh nghiệp ở khối ngành nông-lâm-thủy sản hiện nay rất thiếu nhân lực tay nghề cao, nhưng muốn có sự "đột phá đầu ra" từ các cơ sở đào tạo ở lĩnh vực này thì phải có "đột phá đầu vào".
Ngày 5/11, tại “Hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực chế biến nông-lâm-thủy sản theo nhu cầu xã hội”, Phó Thủ tướng khẳng định hiện nay, nông nghiệp có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt ở đất nước có tới hơn 70% lao động ở khu vực nông thôn như ở Việt Nam.
Tuy nhiên, số lượng người theo học khối ngành nông-lâm-ngư nghiệp lại chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có 4% so với tỷ lệ 43% ở khối ngành kinh tế-dịch vụ-quản lý và 25% ở khối ngành công nghiệp-xây dựng.
Phó Thủ tướng đề nghị để thu hút thêm nhân lực có chất lượng vào khối ngành này, doanh nghiệp nên tham gia vào quá trình đào tạo với các trường, hỗ trợ học phí, học bổng, tạo cơ hội cho sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên nâng cao khả năng thực hành mà còn giúp doanh nghiệp trực tiếp sát hạch, lựa chọn nhân lực phù hợp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến, từ năm học 2008 – 2009, các trường sẽ tiến hành thống kê để công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Việc thống kê này sẽ giúp điều chỉnh “tăng, giảm” các ngành đào tạo cần thiết và không cần thiết, chương trình dạy và học…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học cho biết nguồn nhân lực chế biến nông-lâm-thủy sản không chỉ thiếu và yếu ở đội ngũ công nhân kỹ thuật mà còn yếu ở cả các khối khác như quản lý nhà nước, khối sự nghiệp.
Khảo sát các cơ quan nghiên cứu đào tạo lĩnh vực này thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2006 cho thấy chỉ có 15% cán bộ khối sự nghiệp có trình độ trên đại học, gần 50% có trình độ đại học, cao đẳng. Ở khối sản xuất, nhiều nhà máy, cơ sở chế biến có tới trên 70% người lao động không có chuyên môn kỹ thuật, từ 88 đến 91% người lao động ở các cơ sở chế biến thuộc khối dân doanh không được đào tạo mà chỉ qua bồi dưỡng ngắn ngày.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận những vấn đề như đánh giá lại thực trạng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp-nông thôn và nông dân, đặc biệt là thực trạng ngành nông-lâm-thủy sản; hiện trạng năng lực đào tạo của các trường; đánh giá, rà soát và phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; kết nối các trường với các doanh nghiệp.
Tại hội thảo này đã có 35 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, trong đó một số trường đã ký được khá nhiều văn bản hợp tác như Đại học Nông nghiệp Hà Nội với 19 thỏa thuận hợp tác; Đại học Hồng Đức có 6 thỏa thuận hợp tác.