ThienNhien.Net – Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần tới 11.531 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố. Đồng thời, giai đoạn sau năm 2012 sẽ thực hiện các giải pháp kiểm soát khu vực ngã ba sông Đồng Nai-Sài Gòn, nhằm giải quyết bài toán chống úng ngập cho khu vực thành phố trong điều kiện có lũ lớn ở thượng lưu và nước biển dâng trong tương lai. Đồng thời gắn kết việc vận hành công trình kiểm soát nước với việc cải thiện môi trường kênh rạch và các vùng đất phèn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/10/2008. Theo đó, phương án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh chia thành 3 vùng kiểm soát nước.
Vùng I bao gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn-Nhà Bè. Đây là khu vực trọng tâm của Quy hoạch. Tại đây sẽ xây dựng hệ thống cống khép kín tuyến đê bao được đặt tại các cửa sông, rạch đổ ra sông Sài Gòn, Nhà Bè, Vàm Cỏ và sông Vàm Cỏ Đông. Các cống này có nhiệm vụ khống chế nước và kiểm soát môi trường nước khu vực phía trong đê bao, để không cao hơn mực nước cho phép theo yêu cầu tiêu và chủ động cắt đỉnh triều.
Vùng II bao gồm toàn bộ khu vực ngã ba sông Đồng Nai-Sài Gòn, là vùng đang phát triển, tình hình tiêu thoát nước thuận lợi hơn, do đó có thể bố trí công trình để chống ngập nước, tiêu nước. Đối với khu đô thị cần tôn nền cao trên mực nước lũ khoảng +2,5m. Để cải thiện giao thông thủy cần nạo vét, cải tạo các trục kênh rạch, đồng thời làm giảm áp lực lũ sông Đồng Nai đối với các khu đô thị mới ven sông Sài Gòn.
Vùng III bao gồm toàn bộ khu vực tả sông Nhà Bè-Soài Rạp, hiện tại là vùng sinh quyển mở, có thể xây dựng các công trình kiểm soát nước, quy mô lớn trong tương lai. Thoát lũ tại vùng này được xác định là vùng đệm, trong tương lai việc tiêu thoát nước sẽ được giải quyết với các công trình lớn.