Hà Nội: Tăng cường hộ đê, nhanh chóng tiêu thoát nước và đề phòng dịch bệnh

ThienNhien.Net – Bên cạnh việc khẩn trương vận hành các trạm bơm tiêu úng, huy động lực lượng chống tràn, xử lý sạt lở đê các sông, bờ kênh mương tiêu… thành phố Hà Nội đang tích cực huy động mọi nguồn lực nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tối qua, (2/11) UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp khẩn thông báo tình hình phòng chống ngập úng đồng thời đưa ra biện pháp khẩn trương khắc phục hậu quả mưa úng cho Thủ đô, nhanh chóng thoát nước và ổn định đời sống nhân dân.
 
Tập trung nguồn lực bảo vệ đê, chủ động các biện pháp đối phó với ngập úng
 
Chiều 2/11, trong khi nhiều tuyến phố nội thành vẫn úng ngập thì hàng chục km đê, đập ngoại thành Hà Nội đã bị sạt lở nghiêm trọng. Tại Mỹ Đức, nguy cơ vỡ đê rất cao vì áp lực nước đã vượt kỷ lục năm 1971, hơn 1.340 hộ dân được di chuyển đến nơi an toàn.
 
Trước tình hình đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo, tổ chức củng cố bờ bao, đảm bảo an toàn để vận hành hết công suất trạm bơm Yên Sở bơm nước ra sông Hồng; kiểm tra, rà soát việc úng ngập tại các khu nhà cao tầng, chỉ đạo tổ chức khắc phục úng ngập tầng hầm.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo trạm bơm Vân Đình phát huy hiệu quả cao nhất để giảm bớt lượng nước trên hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, chỉ đạo vận hành trạm Khai Thái và liên hệ với tỉnh Hà Nam để vận hành trạm bơm Yên Lệnh để bơm nước ra sông Hồng; chỉ đạo triển khai ngay việc chuẩn bị và cung ứng giống cây trồng để khôi phục sản xuất vụ Đông khi nước rút.
 
Sở Giao thông vận tải triển khai ngay các biện pháp để chống úng ngập cục bộ trên các tuyến đường phố và khu dân cư; kiểm tra cụ thể các tuyến giao thông, thực hiện ngay việc xử lý, giải tỏa, phân luồng, sửa chữa hư hỏng đảm bảo an toàn giao thông.
 
UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc tập trung mọi nguồn lực tổ chức chống úng ngập, ách tắc giao thông; sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ rừng ngang, nước dâng cao ở các vùng ven sông, ven suối đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; kiểm tra các công trình thủy lợi phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố; triển khai công tác tuyên truyền để nhân dân chủ động, hỗ trợ lẫn nhau khắc phục hậu quả ngập úng.
 
Sẵn sàng phòng chống dịch bệnh
 
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch bệnh về đường tiêu hóa là đáng lo ngại nhất khi nguồn nước sạch bị ô nhiễm. Nếu không có nước sạch để uống, để vệ sinh thì nguy cơ người dân bị mắc bệnh tiêu chảy là rất cao.
 
Thứ hai, khi hết ngập, nước sẽ đọng ở nhiều nơi: sông, hồ, ao, mái nhà, rác thải… tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Cộng với bệnh sốt xuất huyết đang xuất hiện rải rác trên địa bàn Hà Nội thì nguy cơ xuất hiện thành dịch sốt xuất huyết cũng phải tính tới.
 
Thứ ba, người dân ở gần các khu công nghiệp, các nhà máy hoặc kho chứa hóa chất phải thận trọng với nguồn nước có thể bị nhiễm độc từ chất thải độc hại hoặc các hóa chất khác. Nếu sử dụng nước chưa qua xử lý, người dân có thể bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, các bệnh như nước ăn chân, đau mắt đỏ… cũng sẽ xuất hiện ở những nơi bị ngập úng.
Trước tình trạng trên, để xử lý nguồn nước được sạch, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã giao Clorin B về các Trung tâm y tế dự phòng của địa phương giúp người dân diệt khuẩn, làm sạch nguồn nước.
 
Hôm qua 2/11, ngành Y tế Hà Nội đã cử đoàn công tác tới những điểm nóng tại Chương Mỹ, Hoàng Mai, Từ Liêm… những nơi bị ngập nặng, nước rút chậm, nhằm xác định phương án đối phó và kế hoạch phòng chống dịch bệnh sau khi nước rút.
 
UBND thành phố Hà Nội cũng vừa có Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND yêu cầu các ngành, nhất là Sở Công Thương, Sở Y tế triển khai ngay phương án vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.