ThienNhien.Net – Đây là đề nghị của Đoàn giám sát hiện trạng ô nhiễm kênh Tân Hóa-Lò Gốm do Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Thành phố Hồ Chí Minh với đại diện các quận 11, quận Tân Bình tại buổi kiểm tra thực địa ngày 29/10/2008.
Tại thượng nguồn kênh Tân Hóa-Lò Gốm thuộc địa bàn quận Tân Bình, có chiều dài khoảng 700m, Đoàn kiểm tra đã trực tiếp chứng kiến cảnh nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy, nước thải sinh hoạt các khu dân cư được thải trực tiếp xuống kênh, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Châu Văn La cho biết: Đoạn kênh này hứng nước thải từ 250 hộ dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh dọc kênh. Các ngành kinh doanh ở đây gồm: thu mua phế liệu, sửa chữa cơ khí, dệt, phát sinh nước thải có nguy cơ ô nhiễm rất cao.
Xí nghiệp Kho vận trực thuộc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản, địa chỉ 3218C đường Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình có kho chứa hàng thủy hải sản đông lạnh trên khuôn viên có diện tích tới 24.000 m2 nhưng xây dựng hệ thống xử lý nước thải chỉ có công suất 40m3/ngày. Trong khi thực tế với công suất như trên, lượng nước thải của xí nghiệp này phải tới 120 m3/ngày, tức gấp ba lần công suất của hệ thống xử lý.
Vì chưa có kết quả kiểm tra chất lượng mẫu nước thải nên ngành tài nguyên môi trường cũng không nắm được nồng độ chất thải nguy hại của xí nghiệp này. Ngoài ra, UBND quận Tân Bình cũng thừa nhận việc đổ rác trộm, xà bần… của một số người dân vô ý thức làm phát sinh nhiều bãi rác tự phát dọc theo tuyến kênh.
Cạnh đó, một số người thu mua ve chai thường giặt, phơi bao ni lông dưới lòng, trên bờ kênh… gây tình trạng mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Vấn đề ô nhiễm môi trường do rác và xà bần tại tuyến kênh Đồng Đen được xem là điểm nóng về vệ sinh môi trường của quận. Vì vậy, các ban ngành trong quận thường xuyên tổ chức ra quân tổng vệ sinh khu vực hai bên bờ kênh. Thế nhưng, do không có lực lượng chốt giữ nên sau khi thực hiện xong, tình trạng mất vệ sinh vẫn… tiếp tục tái diễn.
Phía hạ nguồn kênh Tân Hóa-Lò Gốm thuộc địa bàn quận 11, chất lượng nước kênh bị ô nhiễm nặng nề. Nguồn nước thải từ các nhà máy nằm san sát ven kênh đã làm màu nước đen đặc, dưới dòng kênh rác ken dày. Đại diện quận 11 cho biết vì các nhà máy và khu dân cư phát triển tự phát ven kênh nên nguồn thải đều xả xuống kênh. Nguy cơ ô nhiễm là khó tránh khỏi.
Sau khi ghi nhận tình hình thực tế, Đoàn kiểm tra đã đề nghị quận Tân Bình phải thực hiện nhanh công trình cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm, có kinh phí đầu tư gần 38 tỷ đồng. Đồng thời, nhằm ngăn chặn sự ô nhiễm mùi từ kênh ra khu vực xung quanh, có thể sử dụng ống cống kín có tiết diện phù hợp nhằm đảm bảo vấn đề thoát nước, vệ sinh môi trường và tận dụng tối đa quỹ đất để xây dựng đường giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về bảo về môi trường và có biện pháp hạn chế các nguồn thải gây ô nhiễm kênh Tân Hóa-Lò Gốm.