ThienNhien.Net – Trong dự thảo luật Thuế Tài nguyên sửa đổi hầu hết các loại tài nguyên đều được đề xuất tăng thuế suất. Mặc dù thuế suất đối với các sản phẩm từ rừng tự nhiên không tăng nhưng cũng không giảm là nội dung thu hút nhiều ý kiến thảo luận.
Trong dự thảo mà bộ Tài chính đưa ra có rất nhiều thay đổi, khung thuế suất đối với khoáng sản kim loại tăng từ 1 – 5% lên 1 – 30%, khoáng sản không kim loại tăng từ 1 – 5% lên 1 – 10%, than tăng từ 1 – 3% lên 1 – 20%, đá quí và khí thiên nhiên đều tăng. Các nhóm tài nguyên khác vẫn giữ nguyên khung thuế suất như hiện tại là: Dầu mỏ, sản phẩm rừng tự nhiên, thủy sản tự nhiên, nước tự nhiên.
Lý do để chúng ta tăng thuế suất tài nguyên với các tài nguyên khoáng sản kim loại, than, đá quí, khí thiên nhiên theo Bộ tài chính vì đây là các tài nguyên quí hiếm, có giá trị kinh tế cao và đặc biệt là không tái tạo được. Không những thế việc nâng thuế suất thuế tài nguyên đối với khoáng sản trên sẽ góp phần hạn chế việc khai thác tràn lan, tăng thu cho ngân sách địa phương để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác.
Còn đối với thuế suất đối với sản phẩm rừng tự nhiên mặc dù không tăng nhưng cũng không giảm. Nhưng trên thực tế thì mức thuế suất này cũng không phải là thấp, nếu không muốn nói là cao nhất theo khung thuế suất hiện tại và khung thuế suất đề nghị sửa đổi vẫn đang ở mức 10 – 40%.
Đối với người dân thì việc kinh doanh từ rừng tự nhiên hay kinh doanh rừng trồng không có gì khác nhau. Thậm chí hiệu quả kinh tế do kinh doanh rừng tự nhiên không thể bằng với rừng trồng vì rừng tự nhiên có tốc độ sinh trưởng thấp. Trong khi đó thuế suất đối với 2 loại rừng này khác nhau rất lớn, đối với rừng trồng thì mức thuế chỉ là 4% còn rừng tự nhiên là 10 – 40% (trung bình là 20%). Mức thuế cao như vậy không kích thích được người dân tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Nếu xét về mặt đóng góp vào ngân sách quốc gia thì nguồn thu này không đảm bảo, bởi từ năm 1997 đến năm 2007 sản lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên giảm mạnh từ 700.000 m3/năm xuống còn 150.000 m3/năm. Vì thế đây không phải là nguồn thu quan trọng để đầu tư vào các dự án lâm nghiệp. Trong giai đoạn 1998 – 2005 nguồn thu này chỉ đóng góp 3,16% tổng vố đầu tư của dự án trồng 5 triệu ha rừng.
Diện tích rừng tự nhiên từ năm 1976 tới 2005 có sự suy giảm về diện tích, tương ứng là 11,07 triệu ha và 10,22 triệu ha, trong khoảng thời gian đó diện tích rừng trồng lại tăng rất nhiều từ 92,6 nghìn ha lên 2,33 triệu ha. Điều này chứng tỏ mức thuế suất cao (trung bình 20%) chưa phải là nhân tố có tác động tích cực đối với việc bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên.
Mặc dù loại thuế này theo dự thảo của pháp lệnh không tăng nhưng không có nghĩa là không được giảm. Để phù hợp với tình hình thực tiễn các cơ quan chức năng nên có những đánh giá cụ thể vì nó không những liên quan đến việc bảo vệ và phát triển vốn rừng mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân làm nghề rừng.