ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Việt Nam và các nước Nepal, Lào, Campuchia, Australia, cùng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới đã cùng chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rừng bền vững tại các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong tại một hội thảo tổ chức ngày 27/10 ở Hà Nội.
Hội thảo “Quản lý rừng bền vững ở các nước tiểu vùng sông Mekong” đã tập trung thảo luận về các vấn đề như tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam nói riêng và khu vực tiểu vùng sông Mekong nói chung, giảm thiểu phát thải khí nhà kính gây ra bởi sự mất rừng và thoái hoá rừng tại Đông Nam Á, vai trò xã hội dân sự và quyền của người dân, cơ quan truyền thông cùng các tổ chức phi chính phủ trong đối phó với tình trạng mất rừng và thoái hoá rừng.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị nhấn mạnh, Việt Nam đã sớm nhận thức về tác hại của phát thải khí nhà kính gây ra do mất rừng, thoái hoá rừng và đã xây dựng những chiến lược kế hoạch quốc gia nhằm giảm thiểu tình trạng này, cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Kể từ khi ký kết Kế hoạch hành động Bali cùng với các quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Liên hợp quốc vào tháng 12 năm 2007, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để xây dựng các chiến lược quốc gia nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại diện Ngân hàng Thế giới đã đóng góp một số ý kiến nhằm quản lý rừng bền vững và giảm tác động của biến đổi khí hậu tại khu vực như xác định mức phát thải do suy thoái rừng, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực quản lý, phục hồi diện tích rừng bị suy thoái.
Theo Trung tâm đào tạo lâm nghiệp cộng đồng khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Recoftc), các nước cần điều tra rừng một cách minh bạch, từ đó lập quy hoạch sử dụng đất để nhận biết được tầm quan trọng của rừng đối với sự thích ứng và giảm tác động biến đổi khí hậu.