ThienNhien.Net – Bất cứ hành vi nào xâm hại tới chất lượng môi trường cần phải bị lên án và xử lý. Bởi vậy họat động xả thải của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước Hà Nội) ra sông Hồng trong thời gian vừa qua cần phải được ngăn chặn.
Theo đánh giá của TP Hà Nội, trong số gần 400 nhà máy xí nghiệp, hơn 15.000 cơ sở sản xuất tư nhân mới chỉ có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 39 cơ sở dịch vụ có trạm xử lý nước thải. Đặc biệt, chỉ có 6/42 bệnh viện lớn đầu tư hệ thống xử lý nước thải, còn lại thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của TP. Thế nhưng nguồn nước thải tập trung của thành phố lại không được xử lý mà đổ thẳng ra sông Hồng.
Từ năm 2007 trở về trước, nước thải được tự do xả vào nhiều nơi. Đến năm 2007, Cty Thoát nước Hà Nội có đề án xin phép xả nước thải của Hà Nội ra sông Hồng. Hiện tại công ty này vẫn thực hiện xả thải ra sông Hồng, hoạt động này hoàn toàn sai với chức năng của một đơn vị chuyên về ngành nước của thành phố.
Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, mỗi ngày toàn thành phố xả nước thải ra hệ thống cống, rãnh, mương, sông chung của thành phố khoảng 500.000m3/ngày đêm. Lưu lượng này cao hơn vào mùa mưa với 3.888.000 m3 và thấp hơn vào mùa khô với 450.000m3/ngày đêm.
Một lượng nước thải lớn như vậy không qua xử lý được thải trực tiếp ra sông Hồng là một việc làm khó hiểu nếu không nói là vô trách nhiệm của công ty này. Giải thích cho điều khó hiểu này một lãnh đạo của Công ty cấp thoát nước Hà Nội cho biết: Giai đoạn I của dự án cấp thoát nước Hà Nội chưa mở rộng đã được trình Chính phủ, theo đó để xây dựng một nhà máy xử lý nước thải phải cần 650 triệu USD.
Gần đây nhất là việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho 2 quận của thành phố với công suất 190.000 m3 đã tốn hết 230 triệu USD chưa kể chi phí vận hành – lý do mà vị lãnh đạo này đưa ra chính la không có vốn nên thành phố buộc phải xả thải ra sông Hồng. Không những vậy, vị này còn cho rằng khi nước thải đổ ra sông thì ngòai phạm vi 200 m đã bị pha loãng và đạt tiêu chuẩn loại B.Đây là một lời giải thích vô trách nhiệm cũng như nó phản ánh một cái nhìn ngắn hạn của vị lãnh đạo này.
Bài học về Vedan vừa qua là gáo nước lạnh đối với các nhà quản lý môi trường của Việt Nam chúng ta. Một câu hỏi được đặt ra là nếu nước thải của Vedan không đổ thải vào sông Thị Vải mà là sông Hồng thì liệu Vedan có bị đưa ra ánh sáng. Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ nhưng nước thải của nó có thể bị pha loãng cách nguồn thải không xa, thậm chí không đến 200m để đạt được tiêu chuẩn loại B. Thế nhưng do sông thị Vải chịu ảnh hưởng nhiều bởi chế độ thủy triều, lượng nước ra vào chậm, các chất ô nhiễm bị lưu tồn lâu dài. Do vậy chính cái chết của dòng sông này đã tố cáo hành vi của Vedan.
Các chất ô nhiễm đổ vào dòng sông, cho dù có bị pha loãng thì cái đích mà nó đến cuối cùng là các hệ sinh thái cửa sông, các hệ sinh thái đất ngập nước. Ngoài vai trò sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, đất ngập nước còn đóng vai trò quan trọng trong thiên nhiên và môi trường như lọc nước thải, điều hoà dòng chảy, điều hoà khí hậu địa phương, chống xói lở bờ biển, ổn định mức nước ngầm cho những vùng sản xuất nông nghiệp, tích luỹ nước ngầm, là nơi trú chân của nhiều loài chim di cư quý hiếm, là nơi giải trí, du lịch rất giá trị cho người dân Việt Nam cũng như khách nước ngoài.
Với những giá trị và vai trò to lớn như vậy, ngày 13/10/2008 vừa qua . Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã tổ chức trao bằng công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đối với vùng đất ngập nước ven biển của ba tỉnh châu thổ sông Hồng, gồm Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình.
Không những vậy , vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra quyết định lấy ngày 08/11 hàng năm là ngày đô thị Việt Nam, bắt đầu từ năm 2008. Thế giới cũng lấy ngày 08/11 hàng năm là “Ngày đô thị hóa Thế giới” do giáo sư Carlos Maria Della Paolera, trường Đại học Buenos Aires đề xuất năm 1949. Mục tiêu chung của “Ngày đô thị hóa Thế giới” là để công nhận, tôn vinh vai trò của công tác quy hoạch và phát triển đô thị, nhằm tạo nên những đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc và một cộng đồng đô thị có cuộc sống ngày một tốt hơn, hoàn thiện hơn và phát triển bền vững.
Hoạt động xả nước thải không qua xử lý xuống sông Hồng là hoàn toàn đi ngược lại tiến trình phát triển thành phố bền vững, giàu bản sắc ? Không những thế hoạt động này về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các hệ sinh thái cửa sông, thậm chí có thể hủy hoại các hệ sinh thái đặc trưng này. Vậy nên hành động này nhất thiết phải được ngăn chặn kịp thời.
Trong lúc dư luận đang bức xúc về hành vi gây ô nhiễm của các doanh nghiệp, cũng như tình trạng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung tai các khu công nghiệp. Thì Hà Nội – Thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước lại không xử lý nước thải của thành phố mà đổ thẳng ra sông.